Cây chuối làm thay đổi nhận thức nông dân
Ngày 28/4, tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau diễn ra lễ ký kết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chuối già Nam Mỹ xuất khẩu giữa các doanh nghiệp và người trồng chuối.
Ông Châu Quốc Khải, Giám đốc Công ty Gỗ Cà Mau, nơi trồng trên 200 ha chuối tại đây cho rằng, sau nhiều năm mày mò cho mảnh đất phèn U Minh Hạ, ngoài cây keo lai, cây chuối già Nam Mỹ thật sự là cây chủ lực của vùng đất này. Năm 2016 vừa qua, cây chuối đem lại cho doanh nghiệp này mức lợi nhuận 300 triệu đồng/ha.
Năm 2016 vừa qua, cây chuối đem lại cho Công ty Gỗ Cà Mau, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau mức lợi nhuận 300 triệu đồng/ha. |
Cặp theo kênh Võ Văn Kiệt, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát triển khai dự án trồng 400 ha chuối cấy mô công nghệ cao, ít người dám nghĩ sẽ có hiệu quả bởi khu vực này vẫn còn nhiễm phèn nặng.
Tuy nhiên, sau chưa đến 1 năm triển khai, màu xanh bát ngát của trang trại chuối đã xóa tan mọi sự hoài nghi. Khi thu hoạch, nhân viên chỉ cần đứng ngang buồng chuối, cắt từng nải đưa xuống chiếc máng phía dưới. Khi thu hoạch buồng xong, cây chuối được cắt bỏ phần ngọn để lứa chuối tiếp theo phát triển.
Bà Lê Thị Mộng Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát, cho biết đến nay, trong tổng diện tích dự án 400 ha, công ty đã đầu tư trồng được 130 ha. Với 2.000 cây chuối/ha, chỉ lấy phần chuối đạt quy cách 15 kg/cây, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha. Với giá giao cho đối tác xuất sang Hàn Quốc là 6 USD/thùng (13,5kg), tương đương 10.000 đồng/kg, doanh thu mỗi vụ chuối hơn 300 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí đầu tư chỉ 120 - 150 triệu đồng/ha.
Trên cánh đồng 70 ha dự kiến phát triển trang trại nuôi bò và trồng cỏ, nông dân Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), chủ trang trại SD, ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, đã quyết định chuyển 60 ha sang trồng chuối công nghệ cao. Hiện nay, ông xuống giống được 55 ha, chuối đã trồng hơn 4 tháng và đang phát triển rất tốt.
Ông Sáu Đức bộc bạch: “Tôi xây dựng mô hình “3 trong 1” là dùng phân bò để nuôi trùn quế rồi bón cho chuối. Khi thu hoạch buồng chuối, tôi lấy thân chuối xay nhuyễn ra làm thức ăn cho bò. Tôi thử trồng xen bưởi da xanh vô vườn chuối thấy bưởi phát triển rất tốt. Tôi đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Chuối Việt. Sắp tới, tôi sẽ phát triển thêm 105 ha chuối trên diện tích đất đang trồng lúa ở xã Lương An Trà theo mô hình khép kín và ký hợp đồng bao tiêu".
Mô hình trồng chuối cho lợi nhuận gấp hơn 10 lần trồng lúa |
Hiện nay, mô hình trồng chuối cho lợi nhuận gấp hơn 10 lần trồng lúa mà sử dụng lao động lại nhiều, vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa góp phần tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn.
Cần thay đổi tư duy cho cây trồng
Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, huyện đã quy hoạch chuyển đổi 2.000 ha ở những vùng năng suất lúa thấp sang trồng chuối, gồm: xã Vĩnh Phước 600 ha, xã Lương An Trà 200 ha, xã Vĩnh Gia 200 ha, xã Tân Tuyến 1.000 ha. Hiện nay, có thêm 3 đơn vị đang dự kiến trồng chuối là Công ty Hoàng Vĩnh Gia trồng 100 ha tại xã Vĩnh Gia, Công ty Xuất nhập khẩu Xanh Việt trồng 100 ha ở xã Tân Tuyến. Hai công ty này đều liên kết tiêu thụ với Công ty Chuối Việt. Công ty Khiết Thành dự kiến trồng 80 ha tại xã Lương An Trà, liên kết với Công ty Kết Phát Thịnh (Long An). Ngoài ra, còn có Công ty DVTM XDNN Phú Lâm xin chuyển 62 ha đất trồng lúa sang trồng chuối công nghệ cao.
Sau khi khảo sát mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tri Tôn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang điều chỉnh quy hoạch, tập trung cho huyện Tri Tôn chuyển đổi 2.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối công nghệ cao theo đề án của huyện. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các Sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp về quy trình kỹ thuật, công nghệ mới, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chuối để không còn lệ thuộc xuất khẩu qua trung gian. Đồng thời, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về chuyển đổi trồng lúa sang chuối, cho thuê đất mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống giao thông vào trang trại…
Tại tỉnh Cà Mau, sau khi khảo sát thực tế diện tích chuối tại huyện U Minh, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành sớm quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra để cây chuối phát triển bền vững.
Theo những chủ trang trại chồng chuối, cây chuối không mấy khó trồng. Kỹ thuật cấy mô là quan trọng. Kế đến là cách bón phân sao cho hợp lý, nếu dư đạm, trái chín sẽ bị nứt. Bón phân hữu cơ, kết hợp với vô cơ. Sâu hại chuối không nhiều, nhưng cũng cần phòng rừ rệp sáp. Chăm sóc chuối cẩn thận từ khâu trồng đến thu hoạch.
Thị trường xuất khẩu chuối đang rộng mở, vấn đề là cần phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và quy chuẩn để đạt được những tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Khâu bảo quản suốt quá trình thu hoạch và chăm sóc chuối sau thu hoạch được xem là “bí quyết” của các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chuối.
Hoàng Huy/ Người tiêu dùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã