Từ nguồn vốn vay Chi nhánh NHCSXH tỉnh, gia đình bà Lò Thị Hội,
bản Bó Cón, phường Chiềng An (Thành phố) phát triển chăn nuôi bò.
Được thành lập theo Quyết định số 32/NHCS-HĐQT ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2003, khi đó, Chi nhánh chỉ có 25 cán bộ thực hiện 2 chương trình tín dụng và nguồn vốn ủy thác cho hộ nghèo vay với tổng dư nợ 133,9 tỷ đồng. Sau 15 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã mở rộng 15 chương trình tín dụng ưu đãi, triển khai đến 100% các xã, bản của tỉnh hiện với tổng dư nợ 3.545,2 tỷ đồng, tăng 25,5 lần so với thời điểm năm 2003.
Ở tỉnh ta, đối tượng thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn vay NHCSXH chiếm tỷ lệ cao, để nguồn vốn đến với hộ nghèo và phát huy hiệu quả, cùng với việc hình thành 204 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn xây dựng mạng lưới với 3.902 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp ở tất cả các bản, tiểu khu. Với phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua 4 tổ chức hội là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đây là cơ sở trong việc bình xét chọn đối tượng cho vay bảo đảm tính dân chủ, công khai dưới sự chủ trì và kiểm soát của chính quyền cấp xã. Việc tổ chức và triển khai chính sách tín dụng ưu đãi từ cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được Chi nhánh thực hiện trực tiếp tại UBND xã, phường, góp phần cắt giảm tối đa chi phí cho người vay, thuận tiện trong giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với dịch vụ tài chính tín dụng, nhất là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đến thời điểm hiện tại, NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới giao dịch trải khắp xuống tận các xã, bản, tạo được hệ thống dịch vụ gần dân.
Qua 15 năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã cho 466.000 lượt hộ vay vốn, với doanh số cho vay 7.449,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 4.135 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân, biết thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất. Có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả, như: Hộ anh Lò Văn Huôn, bản Huổi Lẹ, xã Nậm Giôn (Mường La), vay 27 triệu từ chương trình hộ nghèo năm 2009, kết hợp với vốn dành dụm của gia đình, anh phát triển chăn nuôi. Hiện, gia đình anh có 14 con bò, 4 con trâu, 18 con dê và đào ao nuôi cá, bình quân hàng năm thu nhập 80 triệu đồng. Gia đình chị Thào Thị Cá, bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) vay 50 triệu đồng năm 2016 từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cộng với vốn tự có của gia đình, phát triển chăn nuôi bò sinh sản, trồng 1 ha cây chanh leo, 2 ha cây dược liệu sa nhân, hiện, thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, để tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo, Chi nhánh NHCSXH đã triển khai dịch vụ huy động tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn với mức tiền gửi tùy khả năng của người nghèo. Đến 31/8, đã huy động được là 22 tỷ 454 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm dân cư tại xã; 83 tỷ 815 triệu đồng tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua nguồn tiền gửi tiết kiệm này, hộ nghèo có nguồn tài chính nhất định để trả lại vốn vay khi đến kỳ hạn trả vốn cho ngân hàng. Nguồn vốn huy động này được bổ sung vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH để đầu tư trở lại cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Có thể khẳng định, 15 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ trao “cần câu” giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo mà thông qua việc tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp họ tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Theo Nguyễn Yến/Sơn La.vn