Ông Hùng (bên phải) đang cùng công nhân kiểm tra trùn quế.
Lợi ích kép…
Dù tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt nhưng người dân Phù Đổng vẫn giữ nguyên đàn bò sữa gây dựng trên 20 năm nay nhờ nguồn thu ổn định nó mang lại. Tuy nhiên, hệ hụy của nghề này đối với môi trường cũng không hề nhỏ khi lượng phân thải ra lên đến 10 tấn/tháng. Việc áp dụng các mô hình để xử lý dứt điểm lượng phân này là một đòi hỏi thiết yếu.
Sau khi nghiên cứu thực tế, cộng với sự hỗ trợ của huyện Gia Lâm, cuối năm 2014, ông Nguyễn Xuân Hùng đã thành lập HTX Hiệp Thư. Buổi đầu, do bà con vẫn có thói quen đổ phân ra cống rãnh, mương máng, chưa đem đến điểm tập kết của HTX, nên lượng phân thu được rất ít, không đủ để cung cấp cho trùn khiến con giống bị đói, HTX tưởng như thất bại.
Mặt khác, do mới thành lập, chưa có kinh nghiệm, chuồng trại chủ yếu làm trên nền đất, che đậy bằng mái tôn, tấm lợp, máng cho ăn đơn giản nên HTX chỉ thu được 2 tấn phân/tháng, tương đương 2 tấn sinh khối trùn/500m2. Từ thực tế trên, HTX Hiệp Thư phải nhiều lần họp bàn với chính quyền và bà con chăn nuôi để các hộ đưa phân đến nơi quy định, vì vậy, lượng thức ăn cho trùn dần tăng. Đồng thời, HTX cũng đầu tư nâng cấp chuồng trại, đưa diện tích nuôi trùn lên 1.000m2, tương đương 10 tấn sinh khối trùn/tháng.
Năm 2015, sau gần một năm thành lập, nhờ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, học hỏi cách nuôi và chăm sóc trùn, cộng với ý thức của người chăn nuôi đổ phân đúng nơi quy định nên sản lượng trùn quế của HTX tăng lên 15 tấn/1.000m2/tháng. Đặc biệt, từ cuối năm 2016 đến nay, hoạt động của HTX đã đi vào ổn định, ông Hùng mạnh dạn xây dựng khu nuôi trùn quế công nghệ cao 20.000m2. Sinh khối trùn đã tăng lên 30 tấn/1.000m2/tháng, mật độ trùn quế trưởng thành đạt 5 tấn/1.000m2. Xử lý 10 tấn phân bò tươi/ngày, nông dân Phù Đổng không những có nơi đổ phân, đường làng ngõ xóm sạch sẽ mà hàng tháng còn được HTX trả tiền nên rất phấn khởi. Mặc dù mới đi vào hoạt động 3 năm, song HTX Hiệp Thư đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống cho bà con nơi đây, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại lợi ích kép.
Được biết, HTX Hiệp Thư được giao quản lý gần 16ha đất, trong đó khu xử lý phân trùn 20.000m2, khu ao cá 40.000m2 (đáy ao được xử lý bằng phân trùn), thức ăn là trùn quế. Khu trồng hoa lan 10.000m2 và khu cây ăn quả, tất cả đều sử dụng phân trùn. Phương pháp nuôi trùn của HTX chủ yếu áp dụng khoa học công nghệ, với nhiều loại máy móc hiện đại, xử lý vi sinh nên chất lượng phân tốt, sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Vài nét về kỹ thuật nuôi trùn quế
Theo ông Hùng, để nuôi trùn, người nuôi cần nắm chắc một số đặc tính sinh lý, sinh thái cơ bản của chúng; thực hành đúng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình nuôi trùn. Chuồng trại phải đặt nơi thoáng mát, không bị ngập úng và không nên để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Có nguồn nước tưới thường xuyên, trung tính và sạch; cần thoát nhiệt, thoát nước tốt. Bảo đảm các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm; có biện pháp ngăn ngừa thiên địch (kiến, cóc, nhái..), hố hoặc bể nuôi trùn phải có mái che. Hiện, Hiệp Thư đã xây dựng nhà tôn xốp cao 5m, có cửa, trần thoáng, đường đi đổ bê tông, điều kiện sống tương thích với đặc tính của trùn. Quá trình vận hành, khai thác đảm bảo nhanh, sạch, khoa học.
Ngoài ra, phải lưu ý, nhiệt độ thích hợp nhất cho trùn phát triển là 20 - 30 độ C. Khu vực phía Bắc, vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, cần che chắn kỹ để tránh gió lùa. Đảm bảo chuồng nuôi luôn kín, tối, ẩm và thoáng. Thường xuyên kiểm tra và xử lý chuồng nuôi, độ ẩm lý tưởng của trùn là từ 55 - 65%. Trùn rất sợ ánh nắng, cần che chắn kỹ vào ban ngày, tốt nhất nên có tấm phủ trên mặt luống nuôi. Kẻ thù của trùn là khí CO2, H2S, SO3, NH4 nên thức ăn phải sạch, không có các thành phần hóa học gây bất lợi. Mỗi ngày trùn tiêu thụ một lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể, vì vậy, phải đủ lượng thức ăn cần thiết, bao gồm: phân bò, trâu, dê, heo, gà, vịt, rơm rạ, rác hữu cơ... Thức ăn là chất thải hữu cơ nên ở dạng đang phân hủy, không nên có hàm lượng muối và amoniac quá cao.
Sau 1 tháng cho ăn, công nhân lấy sinh khối trùn (10-15cm bề mặt) ra khỏi luống nuôi để lấy phân (tầng 2) rồi cho vào kho ủ, xử lý tiếp bằng các chế phẩm sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp. Ủ tiếp 1 tháng nữa sẽ có phân trùn quế thành phẩm. Hiện, lượng phân trùn quế HTX thu được 30 tấn/1.000m2/tháng, chủ yếu cung cấp cho các nhà vườn, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản ở Phù Đổng, Hà Nội và các vùng lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Ngoài ra, HTX còn cung cấp hàng trăm tấn sinh khối trùn giống, để bà con mở rộng nuôi trùn trong vùng và các tỉnh phía Bắc.
Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã