Học tập đạo đức HCM

Ðổi thay từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Ðơn Dương

Thứ tư - 13/09/2017 19:12
“Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã bổ sung thêm vốn cho gia đình vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên. Nguồn vốn rất tốt vì lãi suất thấp, không thế chấp. Gia đình cũng có sự đầu tư và chăm sóc, nên đồng vốn được sử dụng rất hiệu quả...” - Lời nhận xét của ông Nguyễn Phúc cũng chính là nhận xét của hơn 500 ngàn hộ gia đình ở Lâm Ðồng, cũng như hàng triệu gia đình khác đang được hưởng nguồn vốn TDCS của NHCSXH Việt Nam.
Từ nguồn vốn TDCS, ông Nguyễn Phúc và gia đình đã nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi và vượt qua khó khăn. Ảnh: L.Hoa
Từ nguồn vốn TDCS, ông Nguyễn Phúc và gia đình đã nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi và vượt qua khó khăn.
Ảnh: L.Hoa

Những điển hình vượt khó ở Dran
 
Ông Nguyễn Phúc (63 tuổi) ở tổ dân phố (TDP) Đường Mới theo ông bà, cha mẹ chăn thả bò từ nhỏ. Hiện, ông có đàn bò thịt 9 con nuôi được 4 tháng, dự tính tết này sẽ bán được khoảng 4-5 tạ/con... Năm 2010, ông bắt đầu vay vốn TDCS theo chương trình giải quyết việc làm được 30 triệu đồng, đầu tư làm chuồng nuôi 1 con bò, sau 8 tháng bán được gần 40 triệu đồng. Năm 2014, gia đình ông trả 30 triệu đồng đợt đầu, vay tiếp 30 triệu đồng mở rộng sản xuất, đến tháng 6/2017 đã trả hết nợ. Đàn bò nhà ông Phúc có lúc lên đến 24-25 con. Ông dùng phân chuồng chăm bón rau thương phẩm. Hiện, ông đang thu ớt sừng cho thương lái với giá 25 ngàn đồng/kg. Bà Đinh Thị Lợi - Chi hội trưởng Nông dân TDP Đường Mới, cho biết: Trong tổ còn có 4-5 người đã khá lên từ nguồn vốn TDCS, như hộ ông Tuấn nấu rượu lấy hèm nuôi heo, hộ ông Hùng nuôi bò lấy phân làm rau thương phẩm và hồng sấy...
 
Ông Trần Ngọc Hoàng và bà con ở thôn Hamasing đang vui mừng vì con đường chính dài 2 km trong thôn do các hộ dân đóng góp vừa được làm xong. 255 hộ giãn dân từ Lạc Nghiệp năm 1976 với nghề trồng hồng trái và cà phê, từ nay đã dễ dàng vận chuyển nông sản ra đường lớn. Gia đình ông Trần Ngọc Hoàng (45 tuổi) còn vui hơn vì cô con gái thứ hai - học năm cuối đại học đi thực tập đang về thăm nhà. Gia đình ông được hỗ trợ vốn vay TDCS cho 2 người con theo học đại học theo chương trình học sinh sinh viên (HSSV) là 33 triệu đồng/suất. Ông Hoàng tâm sự rằng bản thân ông khổ quá, gia đình chỉ có thu nhập từ vườn rẫy cà phê. Ông muốn lo cho con cái tươm tất, may mắn được thụ hưởng nguồn vốn TDCS, các con ông có điều kiện  học hành tốt. Trần Thị Ngọc Thanh Tuyền - con gái thứ 2 của ông Hoàng cũng chia sẻ: “Nếu không có nguồn cho vay HSSV từ NHCSXH, con đường học hành của em rất khó khăn. Và nếu không hoàn thành con đường học tập thì em cũng không thể thực hiện các kế hoạch khác của cuộc đời”. 
 
Hiệu quả sử dụng nguồn vốn làm thay đổi bộ mặt nông thôn
 
Đơn Dương là huyện nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng, có diện tích đất tự nhiên trên 61 ngàn ha, với gần 17 ngàn ha là đất sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp đạt trên 55%. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ dân trong toàn huyện, nhưng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, quy mô manh mún chưa tập trung, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế thị trường. Vì vậy, Đơn Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội là công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.
 
Từ 2 chương trình tín dụng ở ngày đầu thành lập (từ tháng 5/2003), đến nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương đang triển khai thực hiện 12 chương trình TDCS, theo dõi và quản lý 9.649 khách hàng vay vốn. Tổng doanh số cho vay trong 15 năm đạt 561.155 triệu đồng, bình quân giải ngân 40.083 triệu đồng/năm, có 48.076 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó có 21.752 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn TDCS góp phần giúp cho trên 4.140 lượt hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 26.660 lao động, giúp 3.682 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng và cải tạo trên 6.757 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 663 ngôi nhà cho hộ nghèo.
 
Nguồn vốn TDCS không chỉ giúp các hộ dân ở Dran mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Đơn Dương nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Lê Văn Khanh, hộ ông Trần Nam Phi - ở thôn Suối Thông B2 (xã Đạ Ròn); gia đình bà Ma Khoan - người dân tộc K’Ho (thôn Ka Đô Mới I, xã Ka Đô); gia đình bà Nai Lim (thôn La Boong, xã Lạc Xuân)…
 
Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao
 
Trải qua 15 năm hoạt động, (từ tháng 5/2003), nguồn vốn NHCSXH huyện Đơn Dương đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ bình quân 4,9%/năm. Đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn do NHCSXH huyện Đơn Dương quản lý và huy động đạt hơn 225 tỷ đồng, tăng hơn 222 tỷ đồng, gấp 73,7 lần so với năm 2003. Cơ cấu nguồn vốn có sự dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương và nguồn tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt 9.222 triệu đồng (hình thức này được thực hiện từ năm 2009); nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 7.490 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn huy động tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã (triển khai từ tháng 10/2016) là 1.510 triệu đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 3.559 triệu đồng - chiếm 1,6% trong tổng nguồn vốn... 4 hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay với NHCSXH trên địa bàn huyện Đơn Dương đang quản lý 269 tổ TK&VV tại 10 xã, thị trấn của huyện. Đến 30/6/2017, dư nợ ủy thác cho vay đạt 224.063 triệu đồng, chiếm 99,94% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện. 
 
Ông Nguyễn Quốc Tâm - Giám đốc NHCSXH huyện Đơn Dương, cho biết: Tỷ trọng nguồn nhận ủy thác tại huyện còn thấp (0,73%), do trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết và mưa lũ bất thường gây mất mùa, giá cả hàng hóa nông sản không ổn định, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc tập trung các nguồn vốn đã tạo lập được một nguồn lực tài chính ổn định cho hoạt động của NHCSXH huyện. Dòng vốn tín dụng ưu đãi đã và đang tiếp sức giúp các hộ nghèo, hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện thoát nghèo, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho những cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể ổn định và cải thiện đời sống, không để xảy ra trường hợp HSSV phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn không trang trải được chi phí học tập, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội và đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương.

Theo Lê Hoa/Lâm Đồng.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập208
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại708,711
  • Tổng lượt truy cập90,772,104
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây