"...Địa phương cần quy hoạch lại sản xuất, tranh thủ làm việc với các ngành để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, nhân rộng mô hình...”, ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang, gợi ý sau chuyến khảo sát tại Tri Tôn.
Dù trụ sở chính ở phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên) nhưng Cty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát quyết định vào tận ấp vùng sâu Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn) để triển khai dự án trồng 400ha chuối cấy mô công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 127 tỷ đồng.
Đến nay, Cty đã triển khai trồng được 130ha, đang cho thu hoạch với sản lượng 40 tấn chuối/tuần. Toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn được đối tác thu mua để xuất khẩu.
Bà Lê Thị Mộng Tuyền, GĐ Cty Vĩnh Phát chia sẻ: “Trồng chuối cấy mô nặng vốn nhất là chi phí ban đầu vì phải đào mương lên liếp, xử lý đất, ươm giống, nhân công trồng, chăm sóc hàng ngày... Sau khi trồng từ 8 - 9 tháng mới thu hoạch được sản phẩm đợt đầu tiên. Mỗi bụi chuối chỉ chừa một cây con phát triển để thu hoạch lứa tiếp theo. Từ đợt thu hoạch thứ 2, thời gian rút ngắn còn 5 - 6 tháng, lợi nhuận cũng cao hơn do chỉ còn tốn công chăm sóc, phân thuốc, nhân công thu hoạch, sơ chế. Chuối trồng một lần thu hoạch được 3 - 4 năm mới phải trồng lại, nên càng về sau lợi nhuận càng ổn định”.
Thấy được hiệu quả của mô hình chuối cấy mô, Cty TNHH MTV SD ở xã Lương An Trà, Tri Tôn cũng quyết định liên kết với Cty CP Đầu tư chuối Việt trồng 165ha chuối. Trên trang trại dự kiến phát triển đàn bò quy mô lớn ở xã Vĩnh Gia, Cty SD đã triển khai được 65ha của giai đoạn 1. Hiện 50ha chuối đang cho thu hoạch đợt đầu tiên, năng suất và chất lượng đạt tốt.
“Ngoài giúp gia tăng giá trị trên cùng diện tích, mô hình chuối cấy mô cần rất nhiều lao động ở khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Khi mô hình này phát triển, sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Sắp tới, tôi sẽ triển khai trồng thêm 100ha chuối (giai đoạn 2) ở xã Lương An Trà, trên nền đất vốn trước đây sản xuất lúa”, ông Nguyễn Lợi Đức, Giám đốc Cty SD thông tin.
Kế bên khu vực đang triển khai trồng chuối của Cty SD là trang trại quy mô lớn của Cty TNHH MTV Hoàng Vĩnh Gia. Sau khi đưa vào sản xuất ổn định 5 trại heo công nghệ cao (1.200 con heo/trại), nuôi theo hình thức gia công cho Tập đoàn CP (Thái Lan), Cty Hoàng Vĩnh Gia quyết định dành khoảng 100ha phát triển chuối cấy mô. Giám đốc Huỳnh Chánh Huy cho biết, Cty đang ương giống trồng trước 30ha, có liên kết đầu ra.
Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện đang quy hoạch 2.600ha cây ăn trái, chủ yếu là chuối 2.500ha và cây có múi 100ha. Bên cạnh các DN đã triển khai trồng và có sản phẩm chuối thu hoạch như Vĩnh Phát và SD, nhiều DN khác đã đăng ký trồng mới như: Hoàng Vĩnh Gia 100ha, Xanh Việt 100ha, Phú Lâm 50ha…
“Tình trạng chuối ở Philippines nhiễm bệnh là cơ hội cho Việt Nam. Theo định hướng của tỉnh, nếu có liên kết đầu ra đảm bảo, Tri Tôn có thể phát triển 10.000ha chuối cấy mô”, ông Sương nhấn mạnh.
Đối với vùng đất lúa kém hiệu quả, Tri Tôn đang định hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Ông Sương cho biết, hiện diện tích trồng màu của huyện đạt 2.963,5ha, tăng 848,6ha so cùng kỳ 2016, chủ yếu chuyển đổi trên nền đất lúa kém hiệu quả, gồm: Mè đen 133,7ha, đậu các loại 421,1ha, khoai các loại 642,4ha, bắp nếp (104,5ha).
Bên cạnh đó, một số DN đang phối hợp với huyện thử nghiệm các mô hình mới như: Cty Bảo Minh Tiến trồng 2,5ha khoai lang lấy tinh bột ở xã Lương An Trà, Cty Nông Trại Vàng trồng 6ha đu đủ lấy mủ (làm dược liệu chữa bệnh) ở xã Núi Tô.
“Đây là 2 dự án có tiềm năng, nếu đạt kết quả tốt sẽ được DN mở rộng diện tích bao tiêu. Ngoài ra, huyện đang phối hợp với Cty Antesco trồng thử nghiệm 5ha đậu nành rau và cho kết quả tốt, đang triển khai liên kết với nông dân”, ông Sương thông tin.
Trong chuyến khảo sát gần đây tại Tri Tôn, ông Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã đánh giá cao nỗ lực thu hút đầu tư, triển khai các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả trên địa bàn huyện. Tỉnh hoan nghênh các DN tiên phong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất lớn, giúp tăng giá trị và hiệu quả sử dụng đất trên cùng diện tích. Các DN cần chú ý đến việc tìm đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài, phát triển sản xuất gắn với thị trường nhằm đảm bảo tính bền vững.
Trước khó khăn của Cty SD và Hoàng Vĩnh Gia về quy định giữ tỷ lệ 70% đất rừng sản xuất trong vùng dự án, ông Võ Anh Kiệt đề nghị Sở NN-PTNT An Giang phối hợp Sở TN-MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ. Các Sở, ngành liên quan hỗ trợ Tri Tôn tạo quỹ đất sạch để thu hút DN, đồng thời phải hỗ trợ tối đa, tháo gỡ vướng mắc, tạo mọi điều kiện để DN đến Tri Tôn đầu tư, góp phần giúp huyện phát triển… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã