Phát huy lợi thế tự nhiên
Nhìn lại chặng đường phát triển gần 5 năm qua của xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, một trong những đơn vị được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên ở vùng đất “chín rồng” vào năm 2013, đã phần nào khắc họa sâu sắc thêm vai trò đó.
Càng về cuối năm, các tuyến đường càng thông thoáng, sạch đẹp hơn. Cùng với đó là những căn nhà mới mọc lên được bao quanh bởi hàng rào cây xanh, bê tông đã cho thấy bức tranh nông thôn đổi khác.
Trong căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Võ Văn Tược, ở ấp Ba Ngàn, bộc bạch: “Xóm này giờ đã hết hộ nghèo, ngày càng có nhiều hộ giàu, phần lớn là nhờ cây cam sành mang lại. Không nói đâu xa, căn nhà mà gia đình tôi đang sinh sống được xây cất cách nay chưa lâu cũng nhờ trồng cam”.
Cam sành giúp mang lại cuộc sống sung túc hơn cho nhà vườn xã Đại Thành.
Dẫn lối ra vườn cam rộng hơn 1ha đang chuẩn bị cắt bán đợt trái cuối năm phía sau nhà, ông Tược kể 6 năm trước, khu đất này chủ yếu là cây tạp, dừa nước nên thu nhập chẳng đáng là bao, mỗi năm chưa đến chục triệu đồng. Sau khi cải tạo để chuyển đổi sang trồng cam thì bây giờ đã tăng lên cả trăm triệu đồng. “Cuộc sống ổn định nên chúng tôi có điều kiện đóng góp tích cực vào quá trình củng cố và giữ vững thành quả NTM ở địa phương. Nổi bật như tham gia phong trào nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn; xây dựng đường sá, cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”, ông Tược chia sẻ.
Đổi đời ngay trên chính “mảnh vườn, thửa ruộng” của gia đình mình nên hầu hết người dân trong độ tuổi lao động không phải lo chuyện “tha hương cầu thực”. Thay vì đến các tỉnh, thành phố lớn mưu sinh thì không ít thanh niên trong xã chọn quê nhà hay một số công ty, doanh nghiệp ở các địa bàn lân cận để giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình mình.
Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã, hứng khởi khi nói về phương thức tạo nên thành quả như hôm nay: “Tận dụng lợi thế tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, chúng tôi luôn tạo điều kiện và khuyến khích người dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Bây giờ trái cam sành Ngã Bảy đã có nhãn hiệu hàng hóa, trở thành đặc sản nổi tiếng nhờ hương vị đặc trưng mà ít nơi nào có được”.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Rời xứ miệt vườn Ngã Bảy ngược về vùng đất phì nhiêu, trải dài đôi bờ kênh xáng Xà No là những cánh đồng vàng, với hương lúa chín thoang thoảng giữa làn gió xuân mát rượi.
Năng suất mỗi héc-ta lúa canh tác trong cánh đồng lớn tăng 0,1-0,12 tấn. Ảnh: HỮU PHƯỚC
Nếu cam sành giúp đời sống nhà vườn ở đơn vị là huyện NTM đầu tiên của khu vực ĐBSCL sung túc hơn thì lúa là loại cây trồng tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho bà con nông dân thuộc các xã NTM nằm trong vùng nguyên liệu chất lượng cao của tỉnh. Điều tạo nên sự khác biệt đối với các xã NTM nơi đây chính là nhờ áp dụng phương thức sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn.
Theo đó, với chủ trương lồng ghép mô hình cánh đồng lớn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư hệ thống đê bao, thủy lợi, trạm bơm điện, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 2 cánh đồng lớn điểm của tỉnh ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A và xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Mặt khác, các tuyến lộ nong thôn trong khu vực cánh đồng lớn ở 2 xã trên đều được gia cố, nâng cấp đạt chuẩn NTM nên rất thuận tiện từ việc tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; còn diện tích cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%.
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho rằng: “Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi luôn chú ý phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương để phát triển. Nhờ xác định đúng trọng tâm loại cây trồng chủ lực, đặc biệt là vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn mà đã giúp nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nhiều nông hộ”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, so với ngoài mô hình, năng suất mỗi héc-ta lúa canh tác trong cánh đồng lớn tăng 0,1-0,12 tấn, chi phí sản xuất giảm 2-3 triệu đồng, giá bán thường cao hơn từ 100-500 đồng, còn lợi nhuận gia tăng 2-5 triệu đồng. Từ đó, có thể khẳng định đây chính là một trong những mô hình mang lại hiệu quả tích cực đối với người dân xã NTM. Cho nên ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục quan tâm vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho bà con tham gia vào cánh đồng lớn.
Rõ ràng, thông qua lộ trình, bước đi phù hợp, nhất là có phương thức chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp đã góp phần giúp cho Hậu Giang gặt hái được những thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên: Trên cơ sở mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống cho những nông hộ, nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện là từ quy hoạch chung được duyệt, mỗi đơn vị phải tính đến việc cụ thể hóa bằng “đề án sản xuất”, chọn mô hình và cây, con chủ lực ở địa phương để xây dựng đề án theo chuỗi giá trị khép kín, kết hợp đưa khoa học công nghệ vào quá trình canh tác, phấn đấu đến năm 2020 nâng cao thu nhập cho người dân từ 1,5-2 lần so với năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3%/năm...
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong quá trình xây dựng NTM. Điển hình như: Mô hình xóa trắng ấp nghèo của xã Đại Thành, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy và xã Đông Phú, huyện Châu Thành; mô hình cánh đồng lớn xã Vị Thanh và xã Trường Long Tây; mô hình trồng thâm canh cam sành theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, trồng cam sành theo hướng VietGAP ở xã Tân Thành…
Theo Phước Nết/Báo Hậu Giang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã