Những năm trước, sản xuất lúa của HTX Thanh Liên chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống. Đó là dùng sức trâu bò để làm đất; tiến hành gieo, cấy bằng tay; thu hoạch bằng liềm, hái. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, ít tập trung thành từng vùng, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, nên chất lượng thấp.
Cơ giới hóa chuỗi sản xuất lúa
“Trước đây có một công ty về cũng dùng máy để cấy lúa, nhưng họ thất bại do trình độ tổ chức sản xuất kém, do bắc mạ khay nơi vùng khác chuyển về nên mạ vàng rồi chết. Tôi thấy vậy và nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể làm thành công mô hình này”, ông Nguyễn Xuân Đắc - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX, đã không giấu giếm khi nói về nguyên nhân nảy sinh ý tưởng của mô hình sản xuất mạ khay và cấy bằng máy.
Ngay sau khi có ý tưởng, ông Đắc đã họp bàn với toàn bộ Ban quản trị và xã viên, đồng thời xin ý kiến từ Ban thường vụ đảng ủy xã. Không ngờ mọi người hưởng ứng nhiệt tình, UBND xã còn đồng ý cho HTX mượn đất làm mô hình.
Những ngày sau đó, ông Đắc và một số người có trách nhiệm đã “đùm cơm” đi nhiều nơi như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên... học tập mô hình sản xuất mạ khay và cấy bằng máy.
Để có vốn, trên cương vị là giám đốc, ông Đắc đã họp toàn Ban quản trị HTX xây dựng đề án liên doanh, liên kết góp vốn làm ăn, với mục đích vừa giúp dân vừa kiếm việc làm cho các thành viên HTX.
Khi đã có vốn, được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ, có kiến thức từ học tập các mô hình, HTX đã lập kế hoạch đầu tư chi phí, đất đai, nhà xưởng, máy móc. Theo tính toán, chi phí ban đầu để đầu tư cho mô hình mạ khay, máy cấy hết khoảng 700 triệu đồng.
Giai đoạn làm mạ, HTX áp dụng kỹ thuật làm mạ khay che phủ nilon, nhiệt độ và độ ẩm không khí được điều chỉnh ở mức độ thích hợp cho cây mạ từ khi mọc mầm tới khi đạt tiêu chuẩn. Khi áp dụng phương pháp gieo mạ khay sẽ rút ngắn được thời gian 4 - 6 ngày so với phương pháp làm mạ thông thường.
Cây mạ khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ thường; khắc phục được những hạn chế khi phải làm mạ ngoài trời và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại hoặc nóng đột ngột của vụ Xuân gây mạ chết; tránh được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy ngoài ruộng, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với cấy truyền thống.
So với phương pháp truyền thống, với mô hình gieo mạ bằng khay, mỗi sào giảm được 1/2 lượng giống, tiết kiệm 50.000 - 100.000 đồng công cày bừa làm đất. Còn cấy bằng máy, 1 máy cấy với 4 người làm thành thạo cấy 7 phút/sào, tính ra giảm được 25 - 30 công lao động/ha, chi phí cũng giảm khoảng 50.000 - 60.000 đồng/sào. Lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa truyền thống 6 - 7 triệu đồng/ha.
Mô hình mạ khay cấy máy đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, góp phần tạo điều kiện sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Ước mơ mở rộng quy mô
HTX hiện có 3 chiếc máy gặt đập liên hợp, gần 80 chiếc máy cày đủ các loại thay thế toàn bộ cày bừa thủ công. Với việc áp dụng mô hình sản xuất mạ khay và cấy bằng máy, tất cả các khâu trong sản xuất lúa ở HTX Thanh Liên đã được cơ giới hóa, góp phần nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tiết kiệm thời gian, công sức rất nhiều.
Từ năm 2015 đến nay, HTX đã tham gia sản xuất chừng 5 vạn khay mạ và cấy bằng máy gần 500ha. Theo tính toán, HTX lãi ròng từ gieo mạ khay và cấy máy mỗi vụ gần 100 triệu đồng.
9Thấy cách sản xuất mạ khay của HTX hiệu quả, nông dân một số xã xung quanh đã trực tiếp mua giống gieo bằng mạ khay để về cấy thủ công. Một số hộ dân cũng đã sắm máy cấy, rồi mua mạ gieo bằng khay của HTX để tự cấy.
Mô hình mạ khay cấy máy đã giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, góp phần tạo sự liên kết trong sản xuất, là điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Thấy mô hình HTX làm ăn hiệu quả, qua hàng năm, số hộ dân đăng ký “đặt hàng” sản xuất mạ khay và cấy máy ngày càng tăng. Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo UBND xã Thanh Liên cùng Ban quản trị HTX nghiên cứu để mở rộng quy mô. Từ kinh nghiệm, cách làm đã qua thực tế hàng năm của HTX, huyện sẽ chỉ đạo để có thể tổ chức hội thảo, nhân rộng mô hình ra toàn huyện, đẩy nhanh tiến độ đưa CNH-HĐH vào nông nghiệp nông thôn”.
Thanh Hải
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã