Để Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch chi tiết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường. Ðến nay, tỉnh đã phê duyệt đưa vào thực hiện 28 quy hoạch và 16 đề án phục vụ tái cơ cấu. Trong đó, tỉnh đã đưa các giống rau, củ, quả nhập nội như củ cải trắng, cải bẹ, cải thảo, măng tây,… vào sản xuất. Mô hình sản xuất lúa lai chất lượng cao BTE1, TH3-3, TH3-4, Syn6… cho các vùng thâm canh ở Ðức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, và vùng khó khăn như Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, cho năng suất từ 7 đến 8 tấn/ha. Ðồng thời, xây dựng mô hình đưa các giống lúa thuần như: xi23, NX30, KD18, DV108... vào sản xuất, đã cho năng suất từ 5,5 đến 6 tấn/ha (có nơi đạt từ 7 đến 7,5 tấn/ha), góp phần thay đổi các giống lúa xuân sớm để chuyển sang xuân trung, xuân muộn nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng thực hiện ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như áp dụng rộng rãi cơ giới hóa giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và thu hoạch sản phẩm, giảm thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Ðến nay, khâu làm đất bình quân chung toàn tỉnh đạt 67,2%; khâu thu hoạch bình quân đạt 53,7%; khâu vận chuyển đạt 63%. Cùng với việc đẩy nhanh tỷ lệ chăn nuôi bò lai, tỉnh cũng đã triển khai xây dựng và chuyển giao các mô hình bò thịt chất lượng cao tại các vùng chăn nuôi thâm canh ở huyện Ðức Thọ, Nghi Xuân… Xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; mô hình chăn nuôi gia cầm bán chăn thả; mô hình nuôi gà thả vườn đồi với các giống gà địa phương phù hợp đặc điểm, lợi thế của từng vùng. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 161 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 300 đến 6.000 con với tổng đàn lợn hơn 495 nghìn con; xây dựng mới 25 cơ sở nuôi lợn nái ngoại, quy mô 300 con trở lên. Các cơ sở chăn nuôi có chuồng trại được xây dựng bảo đảm đông ấm, hè mát, giảm thấp nhất tác hại của biến đổi khí hậu. Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn từ 500 con lợn thịt hoặc 300 con lợn nái trở lên đều có hệ thống làm mát tự động, đồng thời chủ động nguồn nước uống cho trang trại hoạt động. Ngoài ra, diện tích nuôi thâm canh công nghệ cao trong thủy sản đạt 830 ha, tăng gấp ba lần so với năm 2010 (trong đó có 200 ha được chuyển đổi từ đất cát hoang hóa ven biển, 300 ha chuyển đổi từ vùng ao đất bãi triều); năng suất tôm nuôi bình quân đạt 1,6 tấn/ha; riêng nuôi thâm canh, công nghệ cao cho năng suất vượt trội, đạt từ 10 đến 20 tấn/ha; sản lượng tôm đạt hơn
3.500 tấn.
Mặc dù Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khả quan trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần giải quyết. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Ðức Nhân, hiện nay, công tác kết nối với thị trường đang gặp khó khăn, bộc lộ rõ nhất là ở sản phẩm lạc, cam, bưởi, rau các loại chủ yếu tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, tư thương. Hơn nữa, việc kết nối sản phẩm giữa các miền, vùng, các huyện, xã để tạo ra một sản phẩm hàng hóa đồng nhất, khối lượng lớn để kết nối thị trường còn hạn chế; khai thác thế mạnh phát triển các sản phẩm hàng hóa của ba vùng sinh thái là ven biển, đồng bằng, miền núi chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ cây trồng cạn; phương thức chăn nuôi, nuôi trồng nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình chiếm chủ yếu...
Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt quan tâm thủy lợi phục vụ cây trồng cạn; tiếp tục nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Mặt khác, sẽ định hướng thị trường tiêu thụ nông sản ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất thích hợp, đạt hiệu quả cao nhất; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trên các vùng quy hoạch được duyệt; chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi nhỏ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với công nghiệp hóa. Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học. Xây dựng, nâng cấp cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống trong chăn nuôi thủy sản nhằm chủ động nguồn giống tốt để bảo đảm mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống, phòng, tránh dịch bệnh. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao, sản xuất, ương, dưỡng giống trên địa bàn, chọn tạo được những giống nuôi mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có khả năng thích ứng điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ cao, độ mặn cao, chịu lạnh...). Tiếp tục xây dựng các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu như nuôi xen ghép, nuôi luân canh, nuôi an toàn sinh học, ứng dụng các quy trình nuôi thân thiện môi trường, nuôi theoVietGAP.
Theo Trung Hân Đạt/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã