Kế Sách là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh, số vườn cây ăn trái được phân bố đều trên địa bàn các xã, thị trấn. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, có dòng sông Hậu chảy qua, phù sa quanh năm bồi đắp nên hầu hết vườn cây ăn trái phát triển tốt. Chính nhờ vào kinh tế vườn đã góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Huyện khoe vườn ổi nữ hoàng trồng xen với chanh bông tím cho thu nhập cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc chuyên canh một loại cây ăn trái đã không mang lại nguồn thu cho các hộ, do giá cả thị trường, người dân dần chuyển đổi từ trồng chuyên canh sang trồng đan xen nhiều loại cây trồng khác nhau nhằm “bù trừ” khi giá các mặt hàng trái cây rớt giá.
Xã Thới An Hội có diện tích trồng cây ăn trái gần 900ha với các loại cây trồng chủ lực, như: nhãn, ổi, bưởi, xoài... Khoảng 5 năm trước, người dân chỉ trồng chuyên canh một loại cây để bán trái đồng loạt, nhưng thời gian sau này, các loại trái cây rớt giá liên tục nên người dân trồng xen các loại cây với nhau, vừa tận dụng triệt để diện tích đất vừa có tác dụng giúp loại cây trồng xen chống chịu tốt thời tiết lúc còn nhỏ do các loại cây lớn hơn “che chở”, nhờ yếu tố “cộng sinh” này mà các cây trồng phát triển tốt và đem về nguồn thu đáng kể cho các gia đình.
Ghé tham quan vườn ổi của bà Huỳnh Thị Thu Sáu, ấp Ninh Thới (Thới An Hội), mọi người đều xuýt xoa khi biết vườn ổi đã 4 năm tuổi nhưng trái trĩu cành, dù sống nhiều năm nhưng các cây ổi cao chưa qua khỏi đầu người lớn, trái thì chi chít cành được bao bọc cẩn thận. Đưa tay nâng mấy quả ổi sà xuống sát mặt đất, bà Sáu bộc bạch: “Tôi trồng ổi được 7 năm rồi, trước 4 công đất trồng ổi là đất trồng lúa, lúa thu hoạch năng suất thấp, may mắn lắm có lãi chút ít, còn gặp lúc lúa thấp giá xem như trắng tay”.
Thấy làm ruộng không lợi nhuận, bà Sáu lên liếp trồng ổi. Ổi trồng 8 tháng bắt đầu cho trái, mỗi tháng hái trái 4 đợt, 1 công ổi hái khoảng 1 tấn trái/tháng. Thời điểm ổi có giá 5.000 đồng - 9.000 đồng/kg, quân bình 1 công cho thu nhập 7 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết các khoản chi phí. Trồng ổi chi phí rất thấp, chủ yếu sử dụng phân bón cho cây, còn thuốc bảo vệ thực vật gần như không cần dùng, vì từ lúc ổi ra hoa tới lúc đậu trái đã dùng bao xốp bọc ổi chuyên dụng để bọc lại, hạn chế thấp nhất các loại côn trùng tấn công vào trái, nếu ổi có giá ổn định khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận của người dân 60% - 70%, còn mức giá 2.000 đồng phá huề.
Cũng theo bà Sáu, tình hình ổi xuống giá vào các tháng mùa mưa đã trở thành thông lệ, do vậy, người dân trồng ổi có kinh nghiệm nên xen ổi trong các vườn cam, bưởi, chanh… nhằm lấy ngắn nuôi dài. Khi thấy các loại cây có múi lớn, cho trái bán giá tốt hơn thì đốn bỏ cây ổi, còn khi thấy giá ổi nhích lên tiếp tục gây giống trồng vì trồng ổi thời gian cho trái nhanh và tuổi thọ lên tới 7 năm. Bà Sáu thông tin thêm: “Trong vườn ổi của gia đình tôi được trồng xen với chanh bông tím và bưởi da xanh, các loại cây đều đã thu hoạch bán trái quanh năm. Bình quân 4 công trồng ổi trồng xen với cây chanh bông tím và bưởi mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Còn ông Nguyễn Văn Huyện, ấp Ninh Thới (Thới An Hội), có 3 công trồng ổi lê ăn trái 5 năm, thấy giá thị trường lên xuống thất thường đã chuyển sang trồng ổi nữ hoàng được 1 năm. Mặc dù năng suất ổi nữ hoàng không cao như ổi lê nhưng bù lại giá thành cao gấp 2 lần. Dù giá ổi nữ hoàng cao nhưng ông Huyện vẫn “chưa chắc ăn” và xen chúng vào vườn chanh bông tím. Mỗi năm tiền thu nhập từ cây ổi và cây chanh của gia đình ông hơn 200 triệu đồng/3 công.
Phó Chủ tịch UBND xã Thới An Hội Phan Văn Tươi cho biết: “Cây ổi đã hình thành từ rất lâu trên địa bàn xã Thới An Hội. Qua nhiều năm, người dân đã thay đổi nhiều giống ổi và lợi nhuận từ cây ổi đem về cho người dân khá cao, nhưng giờ do phải cạnh tranh với nhiều loại trái cây khác nên giá ổi lên xuống thất thường và tùy theo mùa. Do vậy, người dân trồng ổi xen với cam, bưởi, chanh… với diện tích 100ha. Cây ổi do người dân trồng tự phát, nên địa phương không có quy hoạch, hướng tới sẽ vận động người dân chuyển đổi các vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị khác theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã