Bà Oanh cho biết, bà học kỹ thuật trồng cỏ may mắn từ một kỹ sư ở TP.HCM cách nay hơn 2 năm. Sau hơn 3 tháng học nghề, bà ở lại nhà con gái tại TP.HCM trồng cây để con gái đi tìm mối bán.
Để tạo ra sản phẩm cây may mắn đòi hỏi phải khéo tay, kiên trì, tỉ mỉ cao
Vì đây là cây phong thủy rất được khách hàng yêu thích, mua dùng trang trí bàn làm việc, phòng khách, tặng biếu…rất nhiều. Đặc biệt, loại cỏ này khó trồng, thị trường ít, nên chỉ sau thời gian ngắn chào hàng, sản phẩm này đã được rất nhiều cửa hàng hoa kiểng đặt với số lượng lớn.
Cuối tháng 12.2016, bà Oanh về quê mở rộng cơ sở để cung ứng sản phẩm lên TP.HCM.
Bà Oanh đang quấn dớn tạo hình để trồng cây may mắn
Bà Oanh chia sẻ, nghề trồng cỏ may mắn nhìn rất đơn giản, nhẹ nhàng, không cần đầu tư nhiều vốn. Song, nghề cũng đòi hỏi người làm nghề phải khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ từng li từng tí thì mới tạo ra được sản phẩm đúng chuẩn đẹp.
“Để có một sản phẩn đúng chuẩn đẹp, người làm phải chăm chút từ khâu bẻ khung, đắp dớn, cột chỉ tạo hình, đến đắp hạt giống… Làm sao cho khung đẹp, cân xứng; dớn đủ độ ẩm; hạt giống phải đắp đều, để khi nảy mầm đảm bảo cây phải phủ đều mặt khung... Chỉ cần vài phân khung dớn hạt giống không nảy mầm là coi như sản phẩm lỗi, phải bỏ sản phẩm”- bà Oanh cho biết.
Ông Trượng - chồng bà Oanh đang ghép sản phẩm ở công đoạn cuối cùng cho ra sản phẩm hoàn chỉnh
Hiện tại, hàng ngày chồng bà bẻ khung, bà đắp dớn gieo hạt. Mỗi ngày bà làm được khoảng 30 cây với nhiều tạo hình đẹp mắt, khác nhau như: hình trái tim, quả cầu, ngôi sao, trái tim đôi, chiếc lá, bon sai, cây phát tài…
Giá mỗi sản phẩm hoàn chỉnh, loại đơn từ 70-120 nghìn đồng, tùy lớn nhỏ; các loại cây đôi, cây bonsai, cây 5 quả giá từ 300- 1 triệu đồng/cây.
5 tháng qua mỗi tháng bà xuất lên Sài Gòn hai đợt. Mỗi đợt từ 250-300 cây và bán lẻ tại nhà từ 50-100 cây. Trung bình mỗi tháng, bà thu lời từ 10-15 triệu đồng từ nghề trồng cỏ may mắn này.
“Hiện, có nhiều đơn hàng ở Sài Gòn, Cần Thơ và một số tỉnh nhưng vì chưa có thợ làm thành ra không đủ cung ứng nên tôi từ chối không nhận. Sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm cơ sở, tìm người phụ làm để đáp ứng các đơn hàng phục vụ thị trường giáng sinh, Tết”- bà Oanh cho biết.
Các sản phẩm cây may mắn rất đẹp mắt với đủ loại tạo hình: ngôi sao, trái tim, cầu, chiếc lá…
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Xuân, cho biết: “Trồng cây may mắn là mô hình mới, hiện toàn tỉnh chỉ có gia đình bà Oanh làm. Bước đầu cho thấy đây là mô hình triển vọng, giúp phát triển kinh tế gia đình, nhất là đối với hộ ít vốn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ vận động gia đình chị Oanh mở rộng cơ sở, dạy nghề lại cho bà con trong xã để nhân rộng mô hình”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã