Không nằm ở biển, nhưng nói về nghề đánh bắt cá, sản xuất ngư cụ thì không đâu giỏi bằng người dân Trần Phú, xã Minh Cường (Thường Tín, Hà Nội). Tại đây, mỗi ngày bà con sản xuất và cung cấp cho các làng biển cả nước hàng vạn ngư cụ.
Làng nghề cước, lưới Trần Phú đã được UBND TP.Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống năm 2012.
Cả làng cùng đan lưới
Đặt chân đến làng nghề Trần Phú, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cửa hàng bày la liệt vó, lưới cước các loại… hai bên đường. Ông Đinh Văn Ngông – Trưởng thôn Trần Phú cho biết, thôn có 800 hộ dân thì 100% số hộ theo nghề làm cước, lưới, hộ ít thì có vài ba công nhân, hộ nhiều thì có cả trăm công nhân, trong đó không ít gia đình có 3 - 4 thế hệ gắn bó với nghề như gia đình ông Phạm Ngô Nguyên, ông Đinh Văn Tuấn…
Dù năm nay đã 90 tuổi, song ông Phạm Ngô Nguyên vẫn ngồi cặm cụi đan lưới. Nói về nguồn gốc làng nghề, ông Nguyên nói:
“Theo sử sách ghi lại, làng nghề lưới, cước Trần Phú được hình thành từ đầu thế kỷ 15. Khi lên 5, 6 tuổi tôi đã được bố mẹ dạy đan lưới và đánh bắt cá rất giỏi. Tuy không phải là làng biển, không ra khơi nhưng sản phẩm cước, lưới của Trần Phú luôn nổi tiếng bền đẹp, nhạy cá nên được ngư dân khắp nơi ưa chuộng. Hiện thị trường chủ yếu của làng vẫn là các ngư trường lớn như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa…
Anh Đinh Văn Tuấn ở đội 9 cho biết, hiện cơ sở sản xuất của gia đình đang thu hút hơn 100 công nhân sản xuất lưới gia công tại nhà, mỗi ngày cơ sở tiêu thụ hàng trăm sản phẩm lưới các loại. Tuy nghề làm lưới không mang lại thu nhập cao, nhưng người dân Trần Phú vẫn duy trì bởi có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi, người già, trẻ con đều làm được.
"Hiện, gia đình tôi đang thu hút được hơn 100 công nhân sản xuất lưới gia công tại gia đình ở trong và ngoài xã, mỗi ngày cơ sở của tôi đưa về các làng biển hàng trăm sản phẩm lưới các loại đều được ngư dân tại các vùng biển rất tin dùng… Thu nhập từ nghề làm lưới mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập không dưới tiền tỷ đâu”, anh Tuấn khoe.
Hướng tới làm ăn chuyên nghiệp
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Ngông cho biết: Nhờ đẩy mạnh nghề sản xuất cước, lưới mà hàng trăm hộ trong thôn có công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện chỉ còn dưới 3%, trong đó có nhiều gia đình thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Nhiều cơ sở sản xuất lớn trong làng cũng đã sản xuất lưới bằng máy, các công đoạn thủ công giảm đi rất nhiều nên năng suất lao động tăng. Bên cạnh đó, mặt hàng của làng cũng ngày càng phong phú, nếu như trước đây bà con chỉ đan lưới đánh cá thì hiện đã sản xuất cả lưới che hoa, che rau, lưới bảo hiểm cho các công trình xây dựng...
Tuy nhiên theo ông Ngông, làng nghề hiện chưa tự sản xuất được nguyên liệu đầu vào (ruột cước – nguyên liệu chính làm ra lưới) mà thường phải nhập từ Trung Quốc. Có thời điểm, phía Trung Quốc cấm biên nên ruột cước khan hiếm, khiến làng nghề phải hoạt động cầm chừng.
Để cải thiện điều này, theo ông Ngông, làng nghề rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, mặt bằng sản xuất nhằm giúp các hộ làm nghề mua sắm máy móc, công nghệ, tiến tới chủ động sản xuất và làm ăn chuyên nghiệp.
Ông Phạm Phú Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cường cho biết thêm: Hai năm qua, xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp dạy nghề sản xuất cước, lưới cho 140 học viên là lao động trong xã. Ngoài ra, để góp phần giúp làng nghề phát triển bền vững, xã cũng đã lập đề án quy hoạch làng nghề và được huyện phê duyệt, sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã