Đó là ông Trương Thanh Mai ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, người đã có cuộc chinh phục mới trên “Đất rừng phương Nam”, đưa cá sấu vượt cạn lên chuồng.
Chủ nhân của 28.000 con cá sấu
Theo chân ông Mai, chúng tôi choáng ngợp trước những dãy chuồng nuôi cá sấu san sát được xây tường, đóng cọc bao lưới B40 cao gần 2m. Có chuồng che lưới mắt nhỏ phía trên, nền xi măng nửa ngập nước, nửa trống trơn cho cá sấu trườn lên; có chuồng chỉ bao xi măng xung quanh, giữa là hồ nước mênh mông, hay những triền đất ngập cỏ…
“Việc tạo ao, làm chuồng phải thích nghi từng giai đoạn phát triển và gần gũi với tập tục của cá sấu. Cá trong trang trại đủ kích cỡ, từ “nhỏ xíu mà thương” đến những con dài hàng mét, nặng trên trăm ký. Phòng bệnh là chính nên phải thường xuyên sát trùng chuồng trại; thức ăn phải tươi; mật độ nuôi khoảng 2m2/con sẽ giúp chúng phát triển tốt lại giữ cho da không trầy xước…” - ông Mai chia sẻ bí quyết.
Khởi nghiệp nghề nuôi cá sấu từ năm 1997, với 100 con cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm). Chỉ 2-3 năm sau, hàng của ông đã có mặt ở Trung Quốc rồi dần mở rộng thị trường (năm 2010) sang Hàn Quốc, Nhật, Ý… Ông Mai cho biết:
“Trung Quốc là xuất nguyên con, trọng lượng 15 – 25kg/con. Các nơi khác lại chỉ lấy da. 80% giá trị của cá sấu nằm ở bộ da. Giá da tính theo tấc ngang, theo tuổi và không được sây sát. Da loại I (cá sấu trên 2 năm tuổi, kích cỡ 40 – 49cm) hiện đến 650.000 đồng; loại II (cá 1,5 - 2 năm, 30 – 39cm) là 550.000 đồng; loại III (cá trên 1 năm) cũng 450.000 đồng”.
Thành công của ông được khẳng định, “đóng đinh” bằng giấy phép Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp) vốn đặc biệt khắt khe: Không được đánh bắt từ thiên nhiên; quy mô nuôi lớn; môi trường, vệ sinh, chất lượng; đời F2 mới được xuất… Cả Việt Nam hiện chỉ có 9 trang trại cá sấu được Cites cấp phép, đồng nghĩa với việc có thể xuất hàng trực tiếp “cho cả thế giới”.
Hiện ông Mai có 28.000 con cá sấu đủ kích cỡ “yên bề gia thất” với quy trình nuôi khép kín trên diện tích 3ha. Mỗi năm khoảng 60.000 con cá sấu giống mang thương hiệu “Phương Tín” cung cấp khắp “lục tỉnh”.
“Số lượng nuôi như vậy cao nhất Bạc Liêu, đồng bằng cũng cực hiếm” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Vũ khẳng định.
Nhà nông thời @
Thời @, hội nhập nông dân có khác: Trưởng thành, “khôn ngoan” hơn rất nhiều. Mấy năm đầu Trung Quốc là đích đến chủ lực của cá sấu, nhưng ông Mai cũng nhanh chóng nhận ra: Thị trường, đối tác nơi đây kém bền vững; giá cả bấp bênh hàng ngày.
“Cũng bầm giập, trằn trọc nhức đầu lắm. Suốt từ năm 2002 - 2006, đầu ra của cá sấu hầu như chỉ dồn vào cửa Trung Quốc nên họ kìm giá, ép giá (có thời điểm chỉ còn 70.000 đồng/kg) suốt mấy năm trời. Lúc đó chỉ mong huề vốn, công mình bỏ đi” - ông Mai kể.
50% lượng hàng xuất cho thị trường này, đưa xuống 30% trong thời gian tới, ông Mai nhạy bén điều chỉnh. Tập trung mở rộng, xuất trực tiếp cho các thị trường khác, tuy chặt chẽ, khó khăn nhưng đầu ra sẽ ổn định hơn. Kinh doanh cá sấu là kinh doanh “đường dài”, phải linh hoạt, quyết đoán trở mình cho từng thương vụ nhưng đừng quên tính toán đường xa.
Để chủ động hơn, bên cạnh việc xây nhà ấp trứng, ông còn liên kết với công ty thức ăn chăn nuôi tỉnh nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá sấu. “Nhu cầu thế giới về cá sấu còn cao lắm. Việt Nam mới chiếm 30% thị trường thế giới, còn lại chủ yếu là Thái Lan, nơi có kỹ thuật nuôi, chế biến phát triển cao, cạnh tranh hơn. Chúng ta cần nhanh chóng thành lập hiệp hội nuôi cá sấu để giữ quyền lợi, tránh bị ép giá…” - ông Mai chia sẻ.
Cá và gạo, 2 sản phẩm chủ lực của đồng bằng, ông Mai đều “tham chiến”. Ông còn là chủ một nhà máy “tiền sông hậu lộ” khép kín từ sàng, sẩy, xay xát, chà, lau bóng, đóng gói gạo xuất khẩu công xuất 100 tấn/ngày giữa vùng lúa gạo “bời bời”.
“Ổng khôn thấu trời. Vào vụ, ghe gạo khắp nơi chở về nườm nượp. Lúc trước hơn 20 người khuân gạo băng qua lộ nay ổng trang bị máy hút gạo thẳng từ ghe lên rồi theo dây chuyền vô từng bộ phận. Khỏe re. Chỉ ráp riêng trạm điện đã hơn 1 tỷ đồng…” - ông thợ già lúi húi bên dây chuyền sấy gạo góp chuyện.
Hàng ngàn tấn gạo mỗi vụ từ cơ sở này được giao cho các công ty xuất khẩu và lực lượng hàng xáo. “Không bỏ trứng vô một giỏ”, đa dạng ngành hàng, đối tác, lĩnh vực kinh doanh là kinh nghiệm được chính ông rút ra trong “sóng gió” thương trường. Kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu cùng sự nhạy bén, năng động giúp ông thoát nghịch cảnh nhiều lần.
Từ 18.000m2 đất hương hỏa để lại, đến nay, gia tài ông Mai đã “nở nồi” đáng nể. “1 sấu 3 sú” (lợi nhuận cá sấu gấp 3 lần tôm sú), nhiều người trong nghề nói vậy. Tài sản ông ước tính bao nhiêu, doanh thu từ nuôi cá sấu, ông Mai chỉ cười cười. Chỉ biết riêng thức ăn cho cá mỗi ngày đã là 3,5 tấn, tương đương 37 triệu đồng! 60.000 con giống mỗi năm với thời giá hiện nay (500.000 đồng/con) giá trị đã lên tới con số 30 tỷ “bạc”!
Nông dân trở thành doanh nhân. Đó là yếu tố cần có để người nông dân suốt đời “cắm mặt xuống đất, ngửa lưng lên trời” bước ra khỏi “ao làng”; đưa sản xuất, kinh doanh lên quy mô lớn, hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế thị trường đầy khắc nghiệt, rủi ro hôm nay. Ông Mai đã làm được như vậy.
Rễ sâu đất làng
Ông Mai “thuần nông” mấy đời lận. Dấu chân ông từng lõm bõm theo cha khắp con rạch, mảnh vườn Vĩnh Thanh. Đến năm 15-16 tuổi, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình; con sông trước nhà lại ẩn hiện bóng hình cậu bé Mai trong sương gió với nghề mới, rướn mình chạy đò chở khách. Đất nghèo vẫn nuôi chí lớn.
Ông Mai bền bỉ lập nghiệp với đủ nghề để mưu sinh: Nuôi heo, xay cà phê, làm thùng suốt lúa, lò đường…Tích góp đủ sức, ông cho ra đời nhà máy xay xát lúa (1989). Cái máu kinh doanh cùng sự nhạy cảm lại khiến ông Mai quyết định bước vào “trận chiến” mới, đưa cá sấu lên cạn. Và ông đã thành công.
Người đàn ông này từ khó đi lên và vẫn luôn gắn chặt với mảnh đất, con người nơi đây. “Cách đây 5 năm nhờ ông Mai hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra nay tổng đàn của tôi phát triển lên 1.000 con. Cuộc sống với 7 đứa con khá hẳn” - ông Đỗ Hùng Tiển, 60 tuổi, ở ấp kế bên kể vậy.
Hộ ông Nguyễn Văn Bích (thị trấn Phước Long) cũng lên 1.500 con… 80% số hộ trong hệ thống 400-500 hộ vệ tinh nuôi cá sấu mà ông Mai gầy dựng đã thoát nghèo; bước lên khá, giàu cũng gần phân nửa.
“5 năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, ra Hà Nội dự hội nghị điển hình toàn quốc (2012) và được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Mô hình này được nhân rộng, đặc biệt đã giúp rất nhiều hộ khó khăn cùng vươn lên” - ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Chủ tịch Hội ND Bạc Liêu nhận xét.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã