Đường trục chính xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai) đã được mở rộng và đổ bê tông. |
Về La Hiên những ngày này, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã La Hiên, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng. Những con đường nhỏ hẹp trước kia đã được mở rộng và đổ bê tông sạch sẽ để ô tô từ Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên, Hà Nội... qua lại thu mua na. Trạm y tế, trường học, đường dây điện, nhà văn hóa xóm đã được xây dựng khang trang. Những ngôi nhà cao tầng, mái bằng khang trang, đẹp đẽ mọc lên ngày càng nhiều. Hầu hết các hộ đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, ti-vi, tủ lạnh, thậm chí nhiều hộ đã mua được ô tô tải, ô tô 4 chỗ ngồi.
Ông Chu Thế Đồng, Trưởng xóm Hiên Bình cho biết: Xóm có 82 hộ với 340 nhân khẩu. Mấy năm gần đây, na đã trở thành cây trồng mũi nhọn đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân trong xóm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,6%. Khi kinh tế phát triển, người dân cũng có thêm nguồn lực đối ứng để xây dựng đường trục xóm, nhà văn hóa, kênh mương và nhà cửa. Cụ thể, 750/750m đường trục chính của xóm đã được đổ bê tông, Nhà Văn hóa xóm cũng được sửa chữa, nâng cấp khang trang. Xóm không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Theo thống kê, 6 năm qua, xã đã huy động được trên 65 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ nguồn vốn này, xã đã cứng hóa được 62,9/81,5km đường giao thông nông thôn; duy tu, sửa chữa 6 đập nước, trên 11km kênh mương nội đồng, xây dựng được 1 nhà văn hoá xã đạt chuẩn; xây mới và sửa chữa 16 nhà văn hóa xóm, có quy mô thiết kế từ 60 đến 120 chỗ ngồi. Ngoài ra, toàn xã đã nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 1.655 ngôi nhà ở... Tất cả những hình ảnh ấy đã tạo nên diện mạo nông thôn ở La Hiên thêm khởi sắc.
Song song với đó, Đảng ủy, UBND xã cũng xác định mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình XDNTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ đó, xã đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế. Giải pháp đầu tiên là xã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao như: mô hình mở rộng diện tích thâm canh cây nhãn miền Hưng Yên; nhân rộng mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao HT6; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản... Qua việc triển khai các mô hình, người dân đã biết ứng dụng quy trình kỹ thuật, tiến bộ khoa học mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, La Hiên còn chủ động tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, xã còn chỉ đạo xây dựng Dự án Chuyển đổi mô hình sản xuất trên đất lúa nước còn lại sang trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa với tổng diện tích 19,3ha...
Tính đến nay, toàn xã đã phát triển được 300ha cây ăn quả, trong đó có 230ha na, 50ha nhãn và 20ha cây ăn quả khác (như: ổi, táo, chuối). Giá trị kinh tế các loại cây trồng này mang lại khá cao, cụ thể: na là 200 triệu đồng/ha, nhãn là 180 triệu đồng/ha, táo là 150 triệu đồng/ha, ổi là 300 triệu đồng/ha. Xã cũng có 2 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 8 gia trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có 5 gia trại chăn nuôi lợn, 2 gia trại chăn nuôi gà, 1 gia trại chăn nuôi bò. Thu nhập bình quân của các gia trại này đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Đảng ủy, UBND xã cũng quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, xã đã phối hợp mở được 20 lớp đào tạo các nghề... Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 99,9%. Có thể nói, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống người dân ở La Hiên đã được nâng cao rõ rệt. Theo kết quả điều tra thống kê, tổng thu nhập của toàn xã đạt gần 218 tỷ đồng (thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/năm, tăng 14,5 triệu đồng so với năm 2011).
Cùng với sự khởi sắc về kinh tế, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, lĩnh vực y tế, văn hóa và giáo dục cũng có sự chuyển biến rõ nét. Trạm Y tế xã đã được đầu tư xây dựng khang trang. Tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ trên 86%. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đã tăng từ 69,3% (năm 2011) lên 87,7% (năm 2016). Tỷ lệ xóm đạt danh hiệu làng văn hóa cũng tăng từ 46,6% (năm 2011) lên 75% (năm 2016). Trong 6 năm qua, toàn xã cũng thành lập 14 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể thao. Ngoài ra, 7/9 trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục THCS đạt trên 90%...
Nói về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng XDNTM, bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Xuất phát điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã La Hiên mới chỉ đạt 5 tiêu chí. Sau 6 năm, La Hiên đã “cán đích” NTM. Thời gian tới, xã xác định tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời, có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp với sức dân, cũng lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực...
Theo Đức Anh/Báo Thái Nguyên.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã