Trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm của ông Khương nằm ven Quốc lộ 6, thuận tiện cho khách đến tham quan, trải nghiệm, mua hàng. Phía bên trái là cửa hàng bán sản phẩm sữa các loại. Ở giữa là nơi du khách dừng chân, nghỉ ngơi thưởng thức cốc sữa bò tươi nguyên chất, nóng hổi, thơm ngon, bổ dưỡng. Khu nuôi nhốt bò sữa nằm phía trái, được xây dựng khá quy mô, bề thế với 2 dãy chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát.
Trang trại du lịch bò sữa của ông Khương nằm cạnh Quốc lộ 6, thuận tiện cho khách đến tham quan, trải nghiệm
Ông Khương cho biết: Ông nuôi bò sữa đã gần 30 năm nay, nhưng nuôi bò sữa kết hợp với làm du lịch thì mới được khoảng 2 năm trở lại đây. Năm 1991, ông Khương mua 6 con bò sữa về nuôi với giá khoảng 40 triệu đồng. Được ông chăm chút từng li, từng tí, cho ăn đúng khẩu phần, đàn bò nhà ông đủ dinh dưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, mắn đẻ. Bê cái, khỏe mạnh ông giữ lại nuôi còn nếu là bê đực thì ông bán cho các nhà hàng làm đặc sản bê chao.
Trang trại du lịch bò sữa của ông Khương góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm sữa của Công ty đến du khách
“Nuôi bò sữa phải đầu tư lớn, song bù lại nó đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng, vật nuôi khác. Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa cũng như chăm sóc con trẻ. Đầu vào thế nào thì đầu ra thế ấy, tức là phải cho bò ăn đủ dinh dưỡng thì nó mới phát triển tốt, khỏe mạnh. Con bò có thể trạng tốt, khỏe mạnh bao giờ cũng cho nhiều sữa hơn, chất lượng sữa cũng tốt hơn” – ông Khương ví von.
Theo ông Khương, thức ăn cho bò sữa phải đảm bảo tiêu chí sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu, không sử dụng kháng sinh tăng trưởng. Ông Khương tuân thủ tuyệt đối quy định của Công ty Cổ phần bò sữa Mộc Châu, đó là không mua thức ăn cho bò ở bên ngoài. Thức ăn chủ yếu của đàn bò bê nhà ông và các hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu là cây ngô ủ chua và cỏ Mỹ, cỏ xanh, tinh bột, ủ chua được pha trộn với tỷ lệ nhất định.
Khu chăn nuôi bò sữa của ông Khương luôn sạch sẽ, không có mùi hôi
Ông Khương cho bò ăn 2 bữa vào buổi sáng và chiều tối. Buổi sáng, ông cho bò bê ăn ủ chua, bột, còn vào chiều tối ông cho chúng ăn cỏ. Tùy theo thể trạng của từng loại bò mà ông cho chúng ăn với khẩu phần phù hợp. Với bò cao sản (loại bò cho nhiều sữa nhất) ông cho chúng ăn với chế độ riêng.
Hiện ông Khương nuôi tổng cộng 55 con bò sữa, trong đó 25 con đang cho sữa. Bình quân 1 con bò cho khoảng 20 lít sữa/ngày, chu kì cho sữa của một con bò khoảng 10 tháng. Như vậy, mỗi ngày, ông Khương thu trên dưới 5 tạ sữa tươi. Nhập cho Công ty với giá 13.000 đồng/lít, ông Khương thu hơn 6,5 triệu đồng/ngày.
Ông Khương có thâm niên gần 30 năm nuôi bò sữa
Ngoài việc chú trọng khâu cho bò ăn đủ chất dinh dưỡng, ông Khương thường xuyên tắm cho đàn bò và vệ sinh chuồng trại nuôi nhốt sạch sẽ. Mỗi ngày, ông tắm cho đàn bò 2 lần, hót phân 3 lần và rửa chuồng 2 lần. Không chỉ đầu tư lắp đặt máy tách phân mà ông còn xây hố chứa nước thải và xử lí bằng men vi sinh. Trong khu chăn nuôi bò sữa nhà ông Khương không có mùi hôi. Từ khi nuôi bò sữa đến nay, đàn bò nhà ông chưa hề xảy ra dịch bệnh.
“Tháng 8.2016, tôi được Công ty tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách để nuôi bò sữa kết hợp với làm du lịch. Không giống như các hộ nuôi bò sữa khác là phải nhập 100% lượng sữa vắt được trong ngày về Công ty, tôi được phép bớt lại 1 phần để bán cho khách du lịch. Du khách đến Mộc Châu có thể tham quan, trải nghiệm tại trang trại du lịch bò sữa của tôi” – ông Khương vui vẻ nói.
Máy vắt sữa bò luôn được ông Khương vệ sinh sạch sẽ.
Đến với trang trại du lịch bò sữa của ông Khương, du khách không chỉ được thưởng thức những cốc sữa tươi, nóng hổi, thơm ngon, bổ dưỡng mà còn được “mục sở thị” quy trình chăm sóc, cho ăn, vắt sữa, thậm chí có thể tham gia vắt sữa bò ngay tại chuồng.
Từ khi nuôi bò sữa kết hợp với làm du lịch, trang trại du lịch bò sữa của ông tấp nập khách đến tham quan, trải nghiệm. Chỉ tính riêng nguồn thu từ việc bán các sản phẩm sữa, thu vé tham quan của du khách, mỗi tháng ông Khương cũng nhẹ nhàng “bỏ túi” 20 triệu đồng. Tổng thu mỗi năm của ông từ trang trại du lịch bò sữa lên đến gần 2 tỷ đồng. Trừ chi phí nhân công, thức ăn cho đàn bò, mỗi năm ông Khương lãi hơn 700 triệu đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã