"Ðánh thức" vùng cát ven biển
Dải cát ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân Ðèo Ngang (Quảng Trạch Ðông, đến Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy) với chiều dài 126 km, đi qua 18 xã, trong đó diện tích lớn tập trung tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Chịu sự tác động lớn của gió và nước, vì thế vùng này thường xảy ra hiện tượng cát bay, cát chảy lấp đồng ruộng, đường giao thông, gây khó khăn cho sản xuất và đi lại. Chính vì sự khắc nghiệt đó cho nên trong bốn vùng sinh thái của tỉnh (đồng bằng, đồi, núi cao và vùng cát), thì vùng cát chưa được khai thác nhiều, dù nơi đây ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Trước năm 1995, phần lớn cư dân sống bên triền cát trắng ven biển Lệ Thủy và Quảng Ninh không mấy ai biết đi xe đạp. Phương tiện duy nhất giúp họ vượt qua những đồi cát trắng là đôi dép tông, thậm chí hai miếng ván có ba lỗ để xỏ dây. Trăn trở trước thực trạng ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình quyết tâm mở đường ra vùng cát. Với sự nhập cuộc tích cực của ngành giao thông và nhờ một dự án phi chính phủ, đường ra Ngư Thủy được hình thành, rồi thêm tuyến đường chạy dọc xã Bảo Ninh đến Hải Ninh. Hơn 10 năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng cát ven biển. Các tuyến đường được trải nhựa rộng rãi, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc và các công trình khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cát ven biển với các thị trấn huyện lỵ.
Bây giờ, cả vùng cát rộng lớn ven biển phía nam Quảng Bình đã xanh rợp rừng phi lao. Dưới bóng rừng, có gần 50 trang trại nuôi tôm, cá, bò, lợn rừng, gia cầm và kỳ nhông. Người tiên phong lập trang trại trên cát và làm giàu từ cát ở Quảng Bình là vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ và Nguyễn Thị Hạnh, chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Năm 1995, con đường từ quốc lộ 1 chạy ra xã biển Hải Ninh chỉ mới là cấp phối vắt qua những đồi cát, đủ một làn xe... đạp, ấy thế mà vợ chồng họ đã mạnh dạn xin đất, lập trang trại ngay bên đường. Hôm tôi ghé trang trại sinh thái Cát Ngọc, anh Lễ đi vắng. Gợi chuyện, chị Hạnh nói: "Rứa (thế) mà đã 19 năm vợ chồng tui (tôi) bám triền cát này làm ăn. Cũng còn nhiều khó khăn và lắm khi thất bại, nhưng trang trại này đã giúp gia đình tui đổi đời. Giờ đường ra Hải Ninh được trải nhựa rộng hơn 15 m, trong tương lai, vợ chồng tôi sẽ xây dựng thành khu trang trại sinh thái".
Dẫn khách đi một vòng, chị Hạnh kể tiếp chuyện vợ chồng họ bỏ ra cả năm trời trằn lưng "đánh cát" trồng cây. Từ những ngày đầu nhọc nhằn đó, vợ chồng anh đã phủ xanh 250 ha vùng cát. Năm 2001, khi rừng khép tán, anh Lễ, chị Hạnh đầu tư làm trang trại. Hiện nay, trang trại đang có 40 con bò, hàng trăm con lợn, hơn 300 con gia cầm, 500 m2 đất cát nuôi giun quế, 1.000 m2 nuôi kỳ nhông, gần 2 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt. Mỗi năm trang trại thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa, tiềm năng lớn nhất của vùng cát ven biển đang được địa phương phát huy hiệu quả, đó là nuôi thủy sản. Sớm nhận thấy tiềm năng này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư thuê đất cát để nuôi tôm thâm canh, trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng cả trăm ha nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, hoặc làm trang trại tổng hợp. Trong đó tiêu biểu là trang trại của "sao Thần Nông" Võ Ðại Nghĩa ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Toàn bộ khu trang trại rộng 34 ha, trong đó có 30 hồ tôm (khoảng 15 ha) chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch mỗi năm gần 400 tấn, số còn lại dành cho khu trại lợn, trại gà, trại cá... Các khu được quy hoạch khá riêng biệt bởi những khoảng rừng xanh ngắt. Trại lợn quy mô 200 lợn nái và 1.000 lợn thịt. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 120 tấn lợn hơi. Khu nuôi gà hiện có 6.500 gà Ai Cập đẻ trứng và hiện cho 3.000 trứng mỗi ngày. Doanh thu mỗi năm từ 20 đến 30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động.
Dưới thảm xanh của rừng và từ trong núi cát, dòng nước trong vắt tuôn chảy quanh năm tưới mát cho những làng quê bên triền cát bỏng rát. Từ đó tạo nên những làng chuyên trồng rau nổi tiếng, như Cam Thủy, Võ Ninh, Bảo Ninh, Ðồng Trạch và Quảng Long. Trong đó, xã Cam Thủy là địa phương đi đầu trong khai thác vùng cát để phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Bá Trọng cho biết: Ba năm gần đây, xã đã chuyển đổi 30 ha đất cát kém hiệu quả sang trồng rau xanh thương phẩm, nâng diện tích trồng rau chuyên canh toàn xã lên gần 100 ha, thu nhập 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm. Nghề trồng rau đã giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ thành công đó, Ðảng ủy xã Cam Thủy đã ra nghị quyết tiến ra vùng cát, xem đây là tiềm năng mới. Sau năm năm thực hiện, Cam Thủy đã đưa được 70 hộ đến định cư, phát triển được gần 45 ha nuôi cá nước ngọt, với thu nhập bình quân mỗi năm đạt 80 đến 100 triệu đồng/ha. Bây giờ về Cam Thủy, đường nối đường chạy thênh thang ra những cánh đồng rau, trảng cát trắng giờ được khoác lên mầu xanh tươi mới.
Từ Cam Thủy, theo con đường trải nhựa chạy về phía biển khoảng 15 phút là đến Ngư Thủy. Xã anh hùng với đại đội pháo binh anh hùng năm nào giờ chia thành ba xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Ðây là những xã bãi ngang cho nên không có tàu lớn, cuộc sống nghề biển chỉ bám vào những thuyền nan cho nên còn nhiều khó khăn. Song giờ đây, nghề nuôi cá nước ngọt trong ao cát đã mang lại cho người dân nơi đây một hướng làm ăn mới, khấm khá hơn. Trên đường đến trung tâm xã Ngư Thủy Bắc, tôi ghé lại thôn Bắc Hòa tìm hiểu nghề nuôi cá lóc. Trưởng thôn Trần Quang Quyền hồ hởi: "Thôn tui có hơn 200 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng có ao nuôi cá lóc, rộng khoảng 100 m2. Sau mỗi vụ cá, trừ chi phí, mỗi ao cũng thu gần 20 triệu đồng". Theo ông Quyền, cách nuôi cá lóc của bà con ngư dân ở đây cũng khá đặc biệt. Trước đây, khi đánh bắt gặp các loại cá nhỏ giá trị thấp không ai chú ý, nay mang về làm thức ăn cho cá lóc trong ao. Chính nguồn thức ăn dinh dưỡng cao này nên cá lóc ở vùng cát lớn nhanh, thịt chắc và thơm như cá tự nhiên.
Khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường
Gần đây, vùng cát Quảng Bình trở nên sôi động, hấp dẫn nhà đầu tư nhờ những lợi thế về giao thông, nguồn nước và nhất là có nhiều bãi tắm đẹp. Vì thế, dọc theo triền cát đã có hàng chục dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn để thu hút khách du lịch. Vùng này cũng đang được tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Dệt may khảo sát, thử nghiệm trồng bông theo công nghệ hiện đại của I-xra-en, để hướng tới hình thành vùng nguyên liệu bông cho các dự án dệt may tại miền trung.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho rằng, việc phát triển kinh tế trên vùng cát bước đầu mang lại hiệu quả. Song, xét về tổng thể, việc khai thác đang manh mún, chưa phát huy được tiềm năng. Các doanh nghiệp, hộ gia đình thấy ở đâu thuận lợi, xin thuê đất lập trang trại ở đó, còn chính quyền thì khá thụ động trong việc này. Tương tự như vậy, trước đây thành phố Ðồng Hới cho nhiều doanh nghiệp thuê hàng trăm ha đất cát để nuôi thủy sản mà chưa tính tới định hướng phát triển của đô thị. Nay, thành phố Ðồng Hới đang được quy hoạch phát triển về phía đông thì số ao, hồ nuôi thủy sản sẽ trở thành các khu đô thị mới, khu du lịch nên việc thu hồi đất sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nuôi tôm trên cát là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng cát ven biển Quảng Bình. Tuy nhiên, một số nơi đã xuất hiện tình trạng phá rừng phòng hộ để nuôi tôm và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để lĩnh vực này phát triển bền vững, cần làm tốt công tác quy hoạch và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái vùng cát.
Trong các giải pháp phát triển bền vững vùng cát ven biển Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, bởi theo ông nếu để xảy ra ô nhiễm thì rất khó khắc phục. Ðồng chí cho biết, tỉnh Quảng Bình có chủ trương không cấp phép các dự án nuôi tôm công nghiệp mới và các dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn phát triển một số loại cây trồng mới trên vùng cát trắng để bảo đảm phát triển hệ sinh thái bền vững, quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái ven biển để thu hút du khách. Tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm điện gió ở vùng cát Lệ Thủy và Quảng Ninh. Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai ven biển từ Quảng Ðông đến Ngư Thủy Nam kết hợp với hệ thống đê biển, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội vùng đất này.
Nhiều năm trước, nạn cát bay, cát chảy là nỗi lo của người dân 18 xã vùng cát Quảng Bình. Nhưng giờ đây, họ đã biết chinh phục để làm giàu từ cát. Dải cát ven biển Quảng Bình đang chuyển mình đi lên trong sự tự tin của hàng vạn con người đổ nhiều công sức gieo mầm xanh cuộc sống trên cát.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã