Nổi tiếng khắp vùng là "đôi bạn cùng tiến" trong làm ăn từ nhiều năm nay. Anh Cẩn và anh Chung từng cùng nhau hùn vốn làm kinh tế với nhiều mô hình khác nhau. Ban đầu là mở lò gạch nung, sau đó nuôi heo và bây giờ là nuôi gà theo mô hình khép kín.
Anh Cẩn dồn hết tâm huyết, tiền của vào mô hình nuôi gà khép kín.
Trang trại của hai anh nằm trên mảnh đất có diện tích gần 1ha, có hai dãy chuồng lạnh với tổng diện tích hơn 2.000m2. Chuồng trại có hệ thống làm lạnh bằng quạt thông gió có công xuất lớn cùng với tường và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định.
Bên trong trại gà là hệ thống máng nước tự động giúp tiết kiệm công chăm sóc và khay để thức ăn được sắp xếp một cách hợp lý nhằm tạo không gian thoải mái cho gà di chuyển.
Ở phần nền trại được rải một lớp trấu dày khoảng 40cm, hàng ngày công nhân dùng các biện pháp như đảo trấu với vôi bột xử lý phân gà, phun thuốc khử trùng quanh chuồng, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị ốm, dịch bệnh.
Ngoài ra, chuồng trại ở đây được thiết kế để đảm bảo yếu tố mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Đặc biệt, nhiệt độ trong chuồng phải luôn ở mức ổn định dao động từ 27- 29 độ C.
Anh Cẩn cho biết, mô hình nuôi gà khép kín đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao, để có được trang trại như ngày hôm nay chúng tôi phải chi gần 3 tỷ để xây chuồng trại tiêu chuẩn. Tuy vốn bỏ ra hơi cao nhưng bù lại là khả năng “chắc ăn” cao.
“Quá trình làm trang trại nuôi lợn nên cũng ít nhiều có chút kinh nghiệm cộng với kiến thức qua những lần đi tập huấn về chăn nuôi, xét thấy nuôi gà theo mô hình khép kín có tính bền vững cao nên chúng tôi quyết định đầu tư”, anh Cẩn cho biết thêm.
Công nhân thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi.
Tại trang trại luôn có người túc trực, hằng ngày sẽ có bác sĩ thú y đến để kiểm tra, đảm bảo đàn gà luôn được giám sát liên tục và xử lý kịp thời khi gà bị ốm, dịch bệnh tránh lây lan.
Là một trong số những công nhân thường xuyên túc trực tại trại, anh Huỳnh Văn Thuấn chia sẻ: “Đều đặn ngày hai lần, chúng tôi làm vệ sinh máng nước, chuồng trại, khay thức ăn và đặc biệt phải kiểm tra nhiệt độ chuồng liên tục để điều chỉnh kịp thời nhất là khi đang trong mùa nắng nóng”.
Với mô hình nuôi chuồng lạnh, lúc nào trong trang trại cũng nuôi 30 ngàn con gà kiến lông màu. Một năm trại gà của 2 anh thả nuôi 4 đợt, mỗi đợt nuôi kéo dài là 70 ngày, lúc này gà đạt trọng lượng trung bình khoảng 1,7kg/con. Sau khi trừ mọi chi phí, với mỗi đợt xuất chuồng, 2 anh lãi gần 250 triệu đồng.
Tích lũy kiến thức trong quá trình chăn nuôi, hơn nữa là người ham học hỏi, linh hoạt trong công việc nên anh Cẩn không ngại áp dụng những phương pháp mới vào chăn nuôi.
Khi được biết cho gà nghe nhạc sẽ giúp gà giảm stress, kích thích não làm tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngay lập tức anh Cẩn đã đầu tư ngay dàn loa bên trong trại gà của mình. Anh Cẩn cho biết, việc cho gà nghe nhạc thường xuyên còn giúp gà lúc nào cũng nhanh nhẹn và ít bị dao động bởi tiếng ồn bên ngoài.
Công nhân vệ sinh khay thức ăn trước mỗi lần cho ăn.
Trước khi bắt tay vào nuôi gà theo mô hình khép kín thì anh Cẩn và anh Chung cũng đã bén duyên với con gà từ năm 2016, nhưng khi đó hai anh nuôi gà bằng chuồng hở truyền thống nên gặp không ít khó khăn.
Anh Cẩn còn chia sẻ, khi nuôi bằng chuồng hở sẽ khó chủ động được nhiệt độ và phòng dịch bệnh hơn. Nhất là vào mùa nắng nóng con gà thường bị bệnh và ăn ít nên lâu lớn hơn là nuôi trong chuồng lạnh.
Hiện tại, hai anh vẫn duy trì hai trang trại gà song song. Trại nuôi theo kiểu chuồng hở được đặt ở xã Hành Thịnh, tại đây vẫn đang thả nuôi 21.000 con gà kiến lông màu.
Ngoài ra, trang trại nuôi gà của 2 anh còn giúp tạo công ăn việc làm cố định cho 10 lao động địa phương, với thu nhập bình quân mỗi người gần 5 triệu đồng/tháng.
“Công việc ở trại gà không có gì nặng nhọc lắm, làm trong mát nên nhẹ nhàng hơn công việc đồng án. Với lại còn kiếm được thu nhập ổn định hơn”, chị Phạm Thị Liên công nhân tại trại gà, chia sẻ.
Hiểu rõ nỗi lo lớn nhất của người chăn nuôi chính là đầu ra nên anh Cẩn đã chủ động tìm hiểu, tham khảo nhiều nguồn và rất nhanh chóng anh đã được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
“Hồi đó, đi tham khảo học hỏi mô hình ở các trại nuôi gà khép kín tại Đà Nẵng nên thấy được cơ hội “phất” từ con gà nên tôi về rủ anh Chung dốc hết tiền để đầu tư chuồng trại”, anh Cẩn nhớ lại.
Không dừng lại ở đó, trao đổi với chúng tôi anh Cẩn còn chia sẻ là trong thời gian sắp tới họ sẽ mở rộng quy mô trang trại nuôi gà khép kín hơn nữa.
Theo Đức Tươi
(Báo Quảng Ngãi)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã