Bảo quản vải theo công nghệ CAS (Cells Alive System) để xuất khẩu. Ảnh: Dân Trí
Điểm sáng rau quả, thủy sản
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ngày 26/12/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5-2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD. Nhìn lại năm 2017, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả cao hơn mục tiêu đề ra kể cả về tăng trưởng và kim ngạch XK. Dự kiến cả năm, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 3%, với kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 35 tỷ USD, tăng 2,82 tỷ USD so với năm 2016.
Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, lần đầu tiên XK vượt qua mốc 3 tỷ USD, dự kiến XK rau quả năm 2017 đạt 3,6 tỷ USD, đưa rau quả trở thành mặt hàng có lợi thế cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2017, rau quả cũng là mặt hàng mở được nhiều thị trường khó tính nhất, thanh long được Úc, NewZeanland cấp phép nhập khẩu, vú sữa và xoài được thị trường Mỹ đón nhận và chanh leo được XK sang Pháp...
Cùng với rau quả, còn phải kể đến giá trị XK thủy sản. Nếu như đầu năm 2017, ngành thủy sản còn dè dặt đặt mục tiêu XK đạt 7,4 tỷ USD thì những tháng cuối năm đã tự tin có thể cán mốc 8 tỷ USD khi nhiều thị trường XK mới ghi nhận sự tăng trưởng đột phá. Kết quả này là nhờ DN XK thủy sản Việt Nam chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sạch, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm các thị trường mới đối với những mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra… Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định, thời tiết thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản, với sản lượng và khai thác đều tăng. XK thủy sản năm 2017 ước đạt khoảng 8 tỉ USD.
Góp phần vào “bức tranh XK” của ngành nông nghiệp còn có ngành gỗ. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết: “Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,5 tỉ USD. Kết quả này do các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng với các đơn hàng đã được ký. Bên cạnh đó, các DN đã và đang tập trung đầu tư chiều sâu về chế biến cũng góp phần nâng cao sản lượng và giá trị XK”.
Theo đánh giá, hầu hết các nông sản chủ lực trừ gạo có xu hướng giảm còn lại đều có xu hướng tăng mạnh về kim ngạch XK. Các chuyên gia cho rằng, những con số ấn tượng của XK nông, lâm, thủy sản bắt nguồn từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bộ máy, từ các cuộc tiếp xúc đối ngoại của lãnh đạo cấp cao nhất đến nỗ lực của địa phương và người nông dân trực tiếp sản xuất. Đặc biệt là sự vào cuộc của nhiều DN trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo nên điểm nhấn, sức bật, cho XK nông sản.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, mặc dù trong năm 2017, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thị trường đầu ra nhưng các ngành hàng giá trị cao năm nay đã bắt kịp với nhu cầu thị trường thế giới. “Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm cung ứng nông sản chính của khu vực và thế giới, đây là tín hiệu thị trường rất tốt, giúp ổn định giá cả nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân”, ông Đào Thế Anh nói.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến cho ngành nông nghiệp tăng trưởng khá và XK đạt được con số cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tái cơ cấu nông nghiệp đã coi trọng 2 vấn đề chính gồm: Nâng cao được chất lượng của dòng nông sản quốc gia; hướng sản xuất vào sản xuất sạch, an toàn và đã có những bước chuyển quan trọng ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, vốn cho nông dân vay trong năm 2017 được cởi mở hơn trên cơ sở các chính sách của năm 2016.
XK thủy sản năm 2017 ước đạt khoảng 8 tỉ USD. Ảnh: Báo Công Thương
Năm 2018, thị trường rất rộng mở
Phân tích những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt trong năm 2018 cả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Hoàng Trọng Thủy cho hay, thứ nhất, biến đổi khí hậu khó lường, thị trường nông sản của thế giới sau hội nghị APEC rất khó dự đoán và luôn luôn biến động. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất. Thứ hai, nợ công của đất nước còn cao, nợ xấu kể cả trong phạm vi thương mại, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp vẫn xử lý chưa triệt để, điều này sẽ tạo ra những cản trở trong việc hạ lãi suất, hoặc đẩy ra cho vay nhiều hơn đối với các DN nông nghiệp, hoặc các DN chế biến nông sản để phục vụ cho phát triển nông nghiệp XK, phát triển bền vững. Cho nên, DN nông nghiệp ở nông thôn nếu có bước chuyển thì bước chuyển này cũng sẽ rất chậm chạp.
Thứ ba, thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản vẫn là bài toán khó, nan giải. Trong khi đó, công nghiệp chế biến nông sản vẫn chưa rõ về quy hoạch và năng lực phát triển.
Để ngành nông nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, ngành nông nghiệp phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Bên cạnh đó, cần tăng năng lực thông tin về sản xuất, về thị trường, đưa thông tin về đến cơ sở để các hợp tác xã, DN, nông dân chủ động lựa chọn đối tượng, quy mô sản xuất. Mặt khác, cần tăng cường chất lượng quy hoạch, bố trí các cơ sở chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, đặc biệt là đối với nông sản XK... Cần ban hành các chính sách bảo hiểm nông nghiệp sát với đối tượng cây trồng, vật nuôi, sát với vùng miền, từ đó có thể kích hoạt được sản xuất cây - con mới, tạo ra những cây - con và nông sản có chất lượng cao. Tiếp tục khơi thông lại thị trường đã mất, giữ thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường.
“Trong tái cơ cấu nông nghiệp 2018- 2020, phải đảm bảo được 2 nguyên tắc cơ bản nhất, đó là thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường. Phải xác định được quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị của nông sản XK để có thể đảm bảo được chất lượng nông sản cao, hạ được giá thành để có được giá cạnh tranh”, ông Thủy nói.
Bên cạnh đó, tiếp tục khơi thông lại thị trường, mở rộng thị trường phát triển. Đồng thời, giữ và mở rộng thị trường có năng lực XK cao như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…
Năm 2017, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả cao hơn mục tiêu đề ra, kể cả về tăng trưởng và kim ngạch XK. Dự kiến cả năm, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 3%, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 35 tỷ USD, tăng 2,82 tỷ USD so với năm 2016. |
Trong các giải pháp trên, chúng ta phải giữ tư duy xuyên suốt, đó là, sản xuất nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường, đây là hai nguyên tắc đảm bảo cho hướng đi và đích đến trong sản xuất nông nghiệp và XK nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt con số cao hơn, khởi sắc hơn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì nhiều ý kiến cho rằng, dư địa cho XK nông, lâm, thủy sản vẫn còn rất lớn. Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, mặc dù XK rau quả đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, tuy nhiên, hiện XK quả của chủ yếu vẫn là xuất quả tươi, giá trị gia tăng chưa cao. Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, năm 2018, các DN cần cố gắng cải thiện hơn nữa vấn đề chất lượng trái cây, an toàn thực phẩm (ATTP) để có mức giá cả cạnh tranh tại các thị trường truyền thống được cao hơn, từ đó, tăng kim ngạch XK. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị hàng hóa cao hơn.
Ông Đào Thế Anh nhận định, năm 2018, dự báo thị trường vẫn có những tín hiệu rất tốt cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng rau quả, thủy sản, gỗ.... Vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp cần cương quyết chuyển sang sản xuất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…, Có như vậy, nông sản Việt mới có thể tiếp cận được đa dạng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản XK.
Riêng đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển khai thác thủy sản nuôi trồng, nhưng hiện năng suất khai thác bình quân trên mỗi mét vuông nuôi trồng còn thấp. Ngành cần cải thiện điểm yếu này, đồng thời tập trung phát huy thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra, cũng như chú trọng phát triển sản phẩm thủy sản là lợi thế của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chúng ta đã hình thành bước đầu những ngành hàng lớn mang tính lợi thế cho XK. Nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, năm nay khả năng XK nông sản Việt Nam đạt 35 tỉ USD. Chúng ta quyết tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi, chế biến thật tốt, mở thêm thị trường mới. Trong phát triển thị trường phải quan tâm và chú trọng chất lượng nông sản tốt nhất đáp ứng cả thị trường nội địa với 92 triệu dân và thị trường XK với 7 tỉ dân của toàn cầu.
Theo Khánh Nguyên/Báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã