Hành trình khởi nghiệp gian nan
Rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Mộc làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã 2 khóa liền. Sau khi nghỉ việc ở hợp tác xã, ông đã trải qua đủ nghề, từ làm ruộng đến buôn bán lá nón, mo cây vàu, làm nan ghế đu cho những hàng nội thất Xuân Hòa… Đôi chân cựu chiến binh với 61% thương tật đã in dấu trến khắp các nẻo đường, từ Hòa Bình lên Sơn La, sang Yên Bái, có lúc ngược Tuyên Quang, Hà Giang rồi về Hà Nội, Thái Bình. Sau nhiều năm xuôi ngược, ông trở về quê, thử sức với nghề chăn nuôi. Năm 1992, ông là một trong những người đầu tiên trong làng quyết định vay vốn ngân hàng để chăn nuôi lợn, gà và bị cả nhà phản đối vì sợ không trả được nợ, nhưng chí ông đã quyết, cả nhà đành thuận theo. Từ một vài con gà, con lợn, ông đã nuôi được hàng trăm con gà và vài ba chục con lợn, không những trả được nợ ngân hàng mà còn có của ăn, của để.
Nhưng làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, ông cũng trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách và những lần thất bại nhớ đời. Thời điểm giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh hoành hành, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, chăn nuôi gà, vịt lao đao. Gia đình nào có may mắn có gà, vịt không bị dịch bệnh thì cũng khó tiêu thụ, gia đình ông rơi vào cảnh trắng tay. Loay hoay tìm hướng đi mới, ông thấy nghề trồng nấm phát triển nhiền nơi. Xóm ông có truyền thống làm gỗ nên lượng mùn cưa thải ra rất lớn, lại có nhiều diện tích đất để hoang. Câu hỏi “sao mình không tận dụng những lợi thế trên chính đất quên mình để trồng nấm’’ khiến ông không dứt ra được. Năm 2007, ông bắt đầu thử nghiệm trồng nấm. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, giá thành ổn định, thu nhập so với làm ruộng, làm nón khá hơn.
Ông Phạm Văn Mộc đang chăm sóc vườn nấm |
Năm 2009, để mở rộng sản xuất nấm, người thương binh làng Chuông tìm đến Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng (Học Viện Nông nghiệp VN) học kỹ thuật trồng nấm. Ngày đầu, cả lớp có 26 học viên đều tròn mắt ngạc nhiên nhìn người học trò hơn 70 tuổi, tóc bạc phơ vẫn chăm chú nghe giảng, cần cù ghi chép. Sau 3 tháng miệt mài học tập, tiếp thu được các kiến thức cơ bản, ông bắt tay vào xây dựng trang trại nấm. Với hơn 20 triệu đồng vốn ban đầu, ông thuê 5 sào đất nông nghiệp của các hộ dân trong xóm để trồng nấm tai mèo (còn gọi là mộc nhĩ đen). Thành công với mộc nhĩ, ông vay thêm 300 triệu từ ngân hàng nông nghiệp huyện Thanh Oai để mở rộng diện tích trồng nấm lên 1ha, rồi 2ha. Bên cạnh sản phẩm chính là mộc nhĩ, nấm rơm, ông còn trồng thêm nấm sò và đang thử nghiệm trồng nấm linh chi.
9 năm trên những cánh đồng nấm, ông đã có cả một gia tài đáng mơ ước. Đó là hơn 30 vạn bịch nấm mà gia đình ông sản xuất mỗi năm (lúc cao điểm lên đến 40 vạn), cho thu hoạch 60 tấn, riêng nấm tai mèo khoảng từ 15 đến 20 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập 100 đến 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động.
Tâm huyết với cây nấm
Với ý chí làm giàu và những kết quả ấn tượng từ mô hình trồng nấm, cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Mộc đã 4 năm liền được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt, Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi 2011 - 2015. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu của bà con đến nhờ ông giúp kỹ thuật trồng nấm để bảo đảm được cuộc sống, vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương, từ chính bàn tay và khối óc của mình. |
Sức nay đã yếu, bước đi tập tễnh, hễ thời tiết thay đổi lại đau nhức do di chứng của mảnh đạn còn trong người, nhưng người thương binh hạng 2/4 này chưa muốn nghỉ. Mắt ông vẫn ngời sáng khi chia sẻ về kinh nghiệm phương pháp trồng nấm. Theo ông, để thành công với cây nấm, ngoài kiên trì học hỏi, nghiên cứu từ sách vở thì phải có nhiều kinh nghiệm thực tế. Trồng nấm đòi hỏi quy trình công phu với nhiều bước tỉ mỉ, nếu không cẩn thận và kiên trì rất dễ thất bại, chán nản và bỏ cuộc. Đầu tiên là thu mua mùn cưa từ các xưởng gỗ, sau đó ủ mùn cưa thành đống, cho vào các bao tải hoặc túi nilon, mỗi túi khoảng 1 - 1,5kg. Đưa vào lò hấp ở 100 độ C, kéo dài 3 - 4 giờ để diệt các loại bào tử, vi sinh vật trong đó. Sau khi hấp xong, lấy bịch mùn cưa ra, để nguội rồi bắt đầu cấy giống. Cấy xong các túi nilon phải được cột chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Vài ngày sau, các sợi nấm trắng sẽ lan dần từ trên xuống. Khi nào các sợi trắng lan gần kín đáy thì kích thích cho nấm mọc ra, bằng cách dùng giao sắc rạch bốn đến năm đường xung quanh túi. Sau khoảng 1 tuần, nấm sẽ mọc lại ở các điểm rạch đó. Để nấm mọc đều, cần tưới nước sạch hàng ngày, mỗi ngày tưới hai, ba lần bằng bình bơm và phun sương trên mặt túi. Hạt nước nhỏ đều sẽ tạo ẩm và ngấm dần qua vết rạch. Nấm mọc lên khoảng 3cm thì có thể thu hoạch.
Nghe đơn giản nhưng nghề trồng nấm vô cùng vất vả, để thành công cũng đánh đổi bằng rất nhiều tiền của, mồ hôi. Chỉ cần nhiệt độ nóng quá hay lạnh quá mà không có biện pháp thích hợp là tất cả nấm sẽ hỏng. Rồi, thời điểm tháng 6.2014, thông tin nấm độc, nấm xuất xứ từ Trung Quốc được đăng tải trên báo chí khiến người tiêu dùng quay lưng với nấm, gia đình ông điêu đứng vì sản phẩm không tiêu thụ được. Thế nhưng, dù nghề trồng nấm lấy đi nhiều sức lực, tiền bạc nhưng người thương binh già chưa bao giờ nản lòng hay nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nghe tiếng ông Mộc trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở trong huyện, thậm chí có người từ Mộc Châu (Sơn La) đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông luôn chia sẻ, hướng dẫn tận tình.
Năm nay, đã 80 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài lao động. Giọng ông vẫn sang sảng khi nói về chuyện làm ăn, về kế hoạch mở rộng diện tích trồng nấm lên 3ha của mình, về tìm đường cho sản phẩm nấm vào các siêu thị, trung tâm thương mại... Còn nhiều, nhiều lắm những dự định, bởi với ông, “ngồi không còn khổ hơn là chết”. Bên cạnh niềm say mê với cây nấm, ông còn nhận thêm khu đất trũng của làng, cải tạo lại rồi trồng 60 gốc bưởi Diễn cùng chuối, ngô, khoai sọ... cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Theo Trọng Hiếu/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã