Phần lớn các HTXNN chỉ mới cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chỉ có 9% HTX cung cấp được dịch vụ đầu ra. Quy mô của HTX, tổ hợp tác (THT) còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu. Đặc biệt, chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các HTX, THT còn thấp, chỉ 10% làm ăn có hiệu quả, khoảng 60 - 70% hoạt động cầm chừng. Nhiều HTX vẫn chưa chuyển đổi theo quy định của Luật HTX năm 2012…
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện có 1.242 HTXNN, trong đó có 38% HTX hoạt động khá, 30% trung bình, 32% còn lại yếu kém và ngưng hoạt động…
Ở tỉnh ta, theo bài báo “Chuyển đổi HTX: Bình mới, rượu cũ?” của phóng viên Ngô Văn vừa đăng trên Ấp Bắc ngày 22-7-2016, 6 tháng đầu năm nay thêm 1 HTX được thành lập, nhưng có đến 4 HTX giải thể. Như vậy đến nay toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTXNN và 94 HTX.
Về chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 (thời hạn kết thúc chuyển đổi vào ngày 1-7-2016), đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có khoảng 70% HTX đã thực hiện. Số lượng chuyển đổi nhiều như vậy nhưng hiện có bao nhiêu HTX thực sự là HTX kiểu mới thì theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh “chỉ có một vài HTX hoạt động chuyển đổi đúng theo HTX kiểu mới”(một vài HTX đó là HTX nào không thấy nói đến).
Ông Đặng Tấn Lâm, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTXNN Tiền Giang cho rằng khó khăn nhất của HTXNN là do thiếu con người có năng lực quản lý, điều hành và thiếu vốn… Nhưng về thiếu vốn, ông nói ngay: “Thực ra không phải các thành viên không có vốn. Vấn đề là họ không muốn góp vốn, bởi HTX chưa làm được gì cho họ tin… HTX nào cũng có phương án sản xuất, kinh doanh rất hay nhưng khi hỏi vốn ở đâu, ai làm được thì không ai trả lời được”.
Ông nói “Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến thành phần kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng. Thế nhưng, các chính sách đó chưa sát hợp với thực tế nên các HTX không tiếp cận được gì nhiều từ các chính sách này”.
Để hỗ trợ các HTX vươn lên, theo ông Lâm, “Nhà nước cần có chính sách phù hợp, thiết thực hỗ trợ HTX như đưa cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ, vạch phương án sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vốn qua nhiều hình thức. Nếu làm được điều này HTX mới có thể lớn mạnh được”.
Thực trạng HTXNN và chuyển đổi HTXNN của Tiền Giang theo 2 cán bộ lãnh đạo chủ chốt đại khái là như thế: Lúng túng, giẫm chân tại chỗ, bế tắc…
Trong khi đó, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ V vừa được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 18 và 19-7 đã xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp quan trọng trong nhiệm kỳ V (2016 - 2020) nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX các cấp, nòng cốt là HTX, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đáng chú ý, định hướng phát triển HTX kiểu mới, gắn liên kết với các thành phần kinh tế khác, với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh hàm lượng giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó có việc triển khai thực hiện 5 đề án lớn và một trong số đó là đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020” vừa được triển khai tại tỉnh Hậu Giang.
Đề án sẽ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trong 3 lĩnh vực: Lúa gạo, thủy sản, trái cây. Mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 ĐBSCL sẽ tập trung củng cố và phát triển 300 HTXNN, mỗi địa phương chọn 30% tổng số HTXNN nhưng không quá 20 HTX mỗi địa phương để thực hiện mô hình thí điểm.
Như vậy, khó khăn của việc chuyển đổi HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 là khó khăn chung và xây dựng mô hình HTX kiểu mới là mục tiêu phấn đấu chung của các địa phương.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của các ban, ngành có liên quan ở Trung ương, nghiên cứu các bài viết, bài phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học; tham khảo, học tập kinh nghiệm của các địa phương bạn; rút kinh nghiệm thực tiễn mấy chục năm xây dựng HTXNN (tổ hợp tác, tập đoàn sản xuất) và phát huy truyền thống sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân tỉnh nhà… tin rằng chúng ta sẽ tìm được lối ra.
Thiết nghĩ, ở ĐBSCL, Công ty cổ phần BVTV An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) có nhiều kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo, học tập.
Nguồn: baoapbac.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã