Tôi đánh hai lưng bát cơm với cá kho thơm lừng và không quên đưa ly rượu ngâm thuốc nam nồng dịu.
Rừng keo đến tuổi khai thác của ông Xuân |
Xong bữa, ông Xuân đánh con xe còn mới ra trước nhà: “Đi rừng thôi”. Ô tô băng qua mấy khu dân cư, vòng vèo trên con đường rừng và khi cả cánh rừng trồng bạt ngàn hiện ra thì ông dừng xe: “Rừng tui đó. Giờ mà khai thác thì cũng kiếm được 120 triệu đồng/ha”.
Một thời chưa xa, nói đến đất Thái Thủy là ai cũng nghĩ đến những vùng đồi cháy nắng với những bụi sim mua lúp xúp. Thấp thoáng những người dân nghèo đi chặt cây chổi mang về bán dưới cái nắng khét ngày hè. Hồi đó, ông Xuân đã suy tính đến việc phát triển kinh tế. Thấy đất đồi rộng bao la, ông tính đến việc nuôi bò. Vậy rồi, từ một con, đàn bò của ông tăng trưởng dần lên. Rồi cũng là ông, một nông dân có lẽ là duy nhất vào những năm 80, khăn gói quả cà ra tận Ba Vì mua bò giống về chăn thả với hy vọng phối giống tạo nên đàn bò chất lượng cao hơn.
Những ngày theo đàn bò trên những triền đồi, ông thấy công nhân lâm trường đào hố trồng cây bạch đàn. Thấy công nhân trồng cây, ông khoái lắm, lân la làm quen, mời thuốc. Đến ngày hôm sau, ông mới bạo dạn xin ít cây về trồng. Ban đầu thì họ cho, sau thấy ông xin nhiều quá họ không còn cho thêm nữa. Chẳng sao, ông nhớ lại thuở con nít cứ vậy mà làm. Đến đêm ông lên vùng đồi, tìm đến nơi công nhân trồng rừng trồng, cây trồng trong ngày chưa hết, họ giấu trong bụi. Ông lấy mỗi nơi một ít mang về. “Kể lại thì cũng xấu thật, nhưng lúc đó không làm vậy thì không có cây mà trồng” - ông Xuân thoáng chút ngượng ngùng.
Rừng trồng rơ xã Thái Thủy |
Nhờ có chút “con nít” ấy mà sản phẩm đầu tay của ông là nửa ha rừng bạch đàn bén đất xanh tốt. Đến năm 1998, có người đánh tiếng mua gỗ bạch đàn. “Lúc đó tôi bán cho ông Sáu ở Huế vạt bạch đàn đó được 10 triệu đồng. Số tiền lúc đó lớn lắm. Đếm tiền run tay chứ chẳng chơi” - ông Xuân nhớ lại. Có tiền lớn, ông Xuân tranh thủ đi mua gỗ để bán lại. Có chút tiền lãi, ông lại bán thêm con bò thuê người phát cây dại, đào hố trồng rừng. “Lúc đó, đất đồi cả vài ngàn ha không có ai đụng đến làm gì. Cũng chẳng có ai có ý tưởng trồng rừng làm gì. Nhờ vậy mà tui có được diện tích lớn”.
Đến năm 2000, chủ trương giao đất, giao rừng đến với người dân. Tuy nhiên, cũng chẳng có ai mặn mà với việc nhận vài ha đồi sỏi đá về làm gì. Chỉ ông Xuân và nhóm ít người khác nhận đất đồi để trồng rừng.
Diện tích rừng của ông Xuân tăng thêm được bao nhiêu thì đàn bò cũng tăng số lượng đến bấy nhiêu. Lúc đỉnh điểm, ông cùng anh em trong nhà đã có trong tay đàn bò gần 250 con. Những năm sau này, khi cơ bản rừng đã có chủ thì ông Xuân mới hạ tổng đàn bò xuống vì không thể thả bò vào chăn thả trong rừng của người khác được. Ông để dành khoảng 7 ha đất trồng cỏ và nuôi khoảng 60 bò thịt. Khi đàn bò giảm xuống và nhìn tới nhìn lui thì diện tích rừng của gia đình ông đã lên trên con số 70 ha. “Ở đây, diện tích rừng có trên 70 ha thì cũng có nhiều người. Nhưng có rừng từ bàn tay mình khai phá đồi hoang mà nên chỉ có tui thôi” - ông Xuân bộc bạch.
Những cánh rừng nối tiếp của ông Xuân đã được qua năm thứ 4. Dưới tán rừng, ông cho người em trai và bạn bè thả ong đàn lấy mật. “Rừng này là bán được rồi. Nhưng tui cũng chưa cần tiền lắm nên cứ để vậy cho tăng sản lượng. Bây giờ, giá bán trung bình mỗi ha có lãi từ 70-80 triệu đồng” - ông Xuân cho hay. Cũng theo ông Xuân, số tiền đó là lãi ròng. Nếu chủ rừng không làm gì cả, chỉ ngồi đếm tiền thì được chừng đó. Nếu gia đình có người làm, có thêm máy móc, xe vận chuyển thì thu nhập mỗi ha cũng phải đến 120 triệu đồng.
Một góc rừng cây gỗ lớn |
Rừng nhà ông Xuân có trên 50 ha trồng keo tràm, khoảng 16 ha trồng cao su và diện tích để dành trồng cỏ nuôi bò. Ông tính toán, nếu không có biến động thì cứ luân phiên mỗi năm, gia đình ông bán khoảng 15 ha rừng keo tràm. Cứ chu kỳ 3 năm khai thác một lần rừng của ông cho đều đặn như đồng hồ chạy 15 ha/năm. Và cũng rất đơn giản, cứ mỗi ha cho lãi thấp nhất 70 triệu đồng, ông cũng có thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm từ rừng. Tôi nói vui: “Có nghĩa là bác cứ mỗi năm “cắt” hơn tỷ đồng”. Ông cười rung vai: "Thì trải qua mấy mươi năm lăn lộn gió mưa với rừng mới có được chút thành quả đó chơ”.
Tiền dành dụm, năm ngoái, ông làm ngôi nhà cao tầng như nhà ở phố. Nhà rộng, ông tính thêm định hướng làm ăn. Tầng trệt được bày trí làm nhà hàng ăn uống và kiêm luôn dịch vụ cưới hỏi ở cùng quê sơn cước này. Năm trước, ông bỏ thời gian đi học lái xe. Học xong, ông tậu con xe bán tải mới cáu để đi… thăm rừng cho tiện. Cũng nhờ rừng, ba người con của ông cũng đã học hành đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định.
Sự năng động của ông Xuân không chỉ dừng lại ở nuôi bò và trồng rừng. Ông còn đầu tư mở cây xăng phục vụ cho bà con trên địa bàn. Trước đây, muốn đổ xăng phải đi về tận huyện mới có. Nay ở ngay sát nhà nên bà con thích lắm. Ông Xuân nói: "Nông dân bây giờ phải nắm bắt nhu cầu và thị trường chứ không thể thụ động mãi. Có như vậy thì mới hy vọng làm giàu”.
Ngôi nhà khang trang nhờ rừng trồng |
Ra khỏi xã đặc biệt khó khăn nhờ rừng trồng
Thái Thủy là xã có diện tích đất trống, đồi núi trọc vào loại cao nhất trong các xã vùng bán sơn địa của huyện Lệ Thủy. Hiện toàn xã có 3.400 ha rừng trồng, trong đó thông nhựa gần 1.100 ha cho khai thác; diện tích còn lại là keo tràm. Địa phương này có bình quân diện tích rừng trồng cao nhất huyện với gần 3 ha/hộ.
Ông Trần Đức Phong - Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Những năm gần đây, gia đình nào có điều kiện về sức lao động, vốn là thu gom rừng. Đến giờ có khoảng 120 hộ có trong tay trên 10 ha rừng/hộ. Nhiều hộ có từ 30-70 ha rừng”.
Theo tính toán của ông Phong, năm 2017, người dân trong xã thu hoạch chừng 200 ha; mỗi ha cho lãi hơn 70 triệu đồng. Nhưng các năm tiếp theo diện tích đưa vào khai thác sẽ cao hơn nhiều. Điều quan trọng nữa với người trồng rừng ở Thái Thủy là ngay tại địa phương, từ năm 2015 đã có cơ sở thu mua trực tiếp gỗ cho người dân. Vấn đề đầu tư cho gỗ được chắc chắn hơn.
Chính rừng trồng chứ không phải một phép mầu nào khác đã đưa Thái Thủy ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn từ năm nay. Ông Phong cho biết, năm 2011 số hộ nghèo của xã có tỷ lệ trên 30%; đến cuối năm 2016 chỉ còn khoảng 14%.
“Nhiều hộ giàu lên trong những năm gần đây cũng chính nhờ diện tích rừng trồng lớn, biết cách làm ăn” - ông Phong nói.
Theo nguyên Tâm/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã