Những chiếc xe chở rác gọn gàng bên con đường thôn ấp Ảnh: TT
Xử đẹp với rác thải
Cách đây 5 năm, đến các xã huyện Củ Chi, Hóc Môn, bạn dễ dàng nhìn thấy cảnh những “núi rác” chất đống bên vệ đường. Mùi đốt rơm đồng cùng mùi đốt rác thải quyện vào nhau, khiến ai cũng thấy ớn. Không những thế, thói quen vứt xả rác bừa bãi ra kênh rạch, sông suối khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Văn Tùng (35 tuổi, một người dân ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội) nhớ lại: “Để thay đổi được ý thức người dân về rác thải là cả một quá trình dài. Chính quyền và các sở ban ngành chủ trương tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh xã, các cuộc họp chi bộ diễn ra, hàng ngàn tờ rơi, tờ bướm được phát nhằm giúp vận động người dân hưởng ứng làm sạch môi trường.
Phong trào làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, để người dân hiểu cặn kẽ hơn về tác hại ô nhiễm, không những rác thải mà thuốc bảo vệ thực vật, chai lọ thuốc trừ sâu sẽ làm “đất xấu”, nhiễm độc khó trồng trọt, canh tác.
Người đứng đầu ấp, xã không chỉ làm gương mà còn cùng công an xã và dân phòng thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Thấy nơi nào người dân còn chưa chấp hành đúng nội quy, còn xả thải không đúng nơi qui định thì sẽ lập biên bản phạt hành chính. Có trường hợp tái phạm nhiều lần thì “bêu tên” thẳng trên loa phát thanh thôn, ấp”.
“Cho tôi xin rác”
Đó là câu mà một số người dân quê vui tính ghi vào thùng đựng rác đặt ngay trước cửa nhà họ. Vào chiều muộn, dạo một vòng qua các ấp Bàu Tre 1, Bàu Tre 2 (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) và ấp 1, ấp 2 (xã Tân Thới Trung, huyện Hóc Môn) mới thấy không khí yên bình, đường xá sạch đẹp và cây cối xanh tươi của làng quê cách không xa thành phố.
Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất vẫn là những chiếc thùng đựng rác màu xanh được đặt ngay ngắn trước cửa nhà mỗi gia đình. “Xin cho tôi rác”, vẽ mặt cười vào thùng đựng rác, một số người dân còn trồng rau cải xanh quanh thùng rác, tạo cho du khách có cảm giác vô cùng thích thú.
Chị Trần Thị Thủy (34 tuổi) cho biết: “Không những về nhà mà ở trường học, con em mình cũng được các thầy cô giáo chỉ cho cách phân loại rác. Bao bì nilon, chai lọ thì để riêng một nơi. Sắt vụn phế liệu, miểng chai thì bao bọc cẩn thận, ghi chú lên giấy để người thu gom biết, tránh bị va chạm gây chảy máu. Mấy cô nhân công đến nhà thu gom, nhìn thùng rác biết người nhà có ý thức vậy đều vui vẻ cười tươi”.
Trồng rau màu trên thùng đựng rác, gợi nhắc ý thức thân thiện với môi trường. Ảnh: TT
Bên kia cánh đồng lúa xanh của ấp Bàu Tre 1, lão nông Nguyễn Văn Thái (51 tuổi) đang tỉ mẩn nhặt nhạnh những bao bì, lọ thuốc quanh ruộng lúa. “Ngày trước mình phun thuốc trừ sâu xong thì tiện đâu vứt đó, bây giờ phải gom lại, để người ta đưa đi xử lý đúng quy trình. Thuốc trừ sâu mà thấm vào nguồn nước, độc hại lắm. Ở đây, ai mà vứt xả rác bừa bãi sẽ được mọi người nhìn bằng con mắt khác, thậm chí bị “tố cáo” trong các cuộc họp thôn ấp”, lão nông Thái nói.
Dịp gần tết, lễ 2.9, ở vùng nông thôn Củ Chi, Hóc Môn, chính quyền thôn ấp thường phát động phong trào thanh thiếu niên vệ sinh xóm làng sạch đẹp. Năm nào cũng vậy, đông đảo bạn trẻ tích cực hưởng ứng, cây chổi, cây liềm phát quang bụi rậm, quét dọn sạch sẽ từ đầu thôn cuối xóm. Chính những phong trào như vậy đã tạo nếp suy nghĩ văn minh, lối sống tích cực cho người dân bảo vệ môi trường.
Làng quê sạch đẹp lan tỏa niềm vui
Trao đổi với phóng viên Trang trại Việt, ông Lê Thanh Phong, Phó Bí thư huyện ủy Củ Chi cho biết: Mục tiêu của “vùng đất thép” Củ Chi có thể chưa giàu mạnh ngay được, nhưng vấn đề môi trường phải đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Huyện đã có nhiều ý tưởng hay để làm “trong lành” môi trường vùng nông thôn. Đặc biệt là ý tưởng thành lập nghiệp đoàn xử lý rác, nhằm kết nối thông tin giữa chính quyền và các hộ tư nhân, công ty tổ chức thu gom rác.
Thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ cấp phát miễn phí các thùng đựng rác cho toàn bộ các xã. Bên cạnh đó, lực lượng công an và dân phòng cũng sẽ xử phạt nặng tay những ai đổ trộm rác thải. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong phong trào làm sạch xóm làng để người dân hưởng ứng theo.
Ông Thái Quốc Dân, phó Chánh văn phòng điều phối NTM cho biết, công tác tuyên truyền vận động các vùng nông thôn TP.HCM về làm sạch, vệ sinh môi trường luôn được thực hiện thường xuyên trên đài truyền thanh xã. Ban chỉ đạo của Thành ủy về NTM yêu cầu nhân rộng phong trào “Mỗi tuần 15 phút làm vệ sinh trước nhà, các tuyến đường”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã