Trong khi nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang loay hoay với bài toán “chặt - trồng, trồng - chặt” thì ông Huỳnh Văn Sang (Hai Sang, 48 tuổi, ngụ xã Tam Ngãi, H.Cầu Kè, Trà Vinh) lại trở thành tỉ phú nhờ 20 năm gắn bó với cây cam sành.
Bí quyết cam nghịch vụ
Là một trong những tỉ phú cam sành của xã Tam Ngãi, Hai Sang hiện canh tác 3,5 ha đang giai đoạn cho trái. Chỉ tính mùa cam năm 2010 và 2011, ông thu về hơn 3 tỉ đồng. Bí quyết của Hai Sang là trồng cam nghịch vụ. Hai Sang kể, ông lấy vợ năm 1990. Gia đình không có nhiều đất mà lại có đến 4 anh em trai, nên khi ra riêng Hai Sang chỉ được cha mẹ cho 2,5 công (2.500m2). Đất ít quá, lúa thu hoạch chỉ đủ ăn chứ không bán chác gì được nên không có tiền. Ông đánh bạo lên liếp trồng cam với suy nghĩ đơn giản, trồng cây ăn trái sẽ “khỏe” hơn trồng lúa và có thời gian đi làm mướn kiếm sống. Không ngờ trồng cam vất vả hơn nhiều. Nhưng do đã lỡ trồng, ông phải ráng bỏ công chăm sóc. Lúc cam chưa có trái, Hai Sang phải trồng xen đủ loại rau củ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Tới khi vườn cam có trái thì trụ được tới bây giờ. Cũng nhờ trái cam mà miếng đất của anh cứ lớn dần, từ 2.500m2 ban đầu, anh mua thêm dần thành 9.500m2.
Nghề trồng cam vùng này lâu nay mỗi héc ta thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Nhưng trong 3 năm liên tục, mỗi héc ta cam nghịch vụ thu bạc tỉ, khiến bản thân Hai Sang cũng cảm thấy... sửng sốt. Từ 2009 tới nay, chỉ với chưa đầy một mẫu đất, Hai Sang thu về hơn 4 tỉ đồng, con số trước đây có mơ ông cũng không dám nghĩ tới. Hai Sang phân tích, đất mà nhà vườn Tam Ngãi đang trồng cam là đất phù sa bồi đắp bởi sông Tiền. Từ xưa tới giờ vùng này không bao giờ thiếu nước ngọt nên trồng cam muốn xử lý cho ra trái bất kỳ tháng nào trong năm đều được. Trái cây mùa thuận phải nhờ đến nước mưa, còn đất ven sông Tiền có lợi thế là không lệ thuộc nước mưa nên nhà vườn có thể đổi sang thu hoạch mùa nghịch theo ý mình. Ở xã Tam Ngãi, trồng cam nghịch vụ thu nhập 1 tỉ đồng/ha/năm tính ra tới mấy chục hộ chứ không phải ít. Cam mùa thuận giá 4.000-5.000 đồng/kg, mỗi héc ta bình quân 25 tấn, nhà vườn thu hơn 100 triệu đồng, vẫn cao hơn lúa. Còn trồng vụ nghịch, mỗi kg giá 25.000-30.000 đồng, có khi cao hơn nên thu về tiền tỉ cũng không có gì lạ.
Không sợ dội chợ
Theo Hai Sang, cụm từ “dội chợ” chỉ dành cho chỗ nào làm nông nghiệp theo kiểu tự cấp tự túc. Hồi mới trồng cam, mỗi lần trái chín vợ anh hái bỏ vô thúng ra chợ xã ngồi bán. Dần dà bà con trồng nhiều, khi thu hoạch bán chợ xã không hết thì đưa xuống xuồng, chở ra chợ huyện. Về sau này, khi cam nhiều thì xuống tới chợ tỉnh. Nhưng bán loanh quanh Trà Vinh, giá không cao lên được. Mấy năm nay sản xuất theo hướng hàng hóa, cam Tam Ngãi nhiều, mỗi năm cung cấp hàng chục nghìn tấn, thương lái khắp nơi kéo về thu mua. Nhờ vậy mà có sự cạnh tranh, giá cả vì thế mà cũng tăng lên. Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, nếu làm nhỏ lẻ thì trái cam sành Tam Ngãi không thể đi xa được. “Hồi đó ít ai trồng nên có thất bại mình cũng đâu biết hỏi ai, thành ra tôi phải tự ghi chép rồi tự rút kinh nghiệm. Vì vậy, bây giờ tôi rất hiểu những nông dân vừa bỏ lúa chuyển qua cam. Mình đi trước phải chỉ người đi sau thôi. Mình mà giấu nghề, vườn cam của hàng xóm bị bệnh, lây qua mình thì mình thiệt chứ ai thiệt. Trong xóm tôi, mấy năm trước thằng Huyền (Nguyễn Văn Huyền, 30 tuổi) chỉ có 2,5 công đất. Làm không đủ sống nên đi TP.HCM làm mướn. Mấy năm nay Huyền về trồng cam, anh em đi trước chỉ cho chút nghề, Huyền bán cam mấy mùa đã cất được ngôi nhà khang trang. Hay như anh Trần Văn Giang, Phan Văn Mười ở cạnh nhà nhau. Đất ít, hai anh em rủ nhau trồng cam, giờ cũng trở nên khá giả. Trường hợp anh Huỳnh Văn Thức, chỉ có 0,7 ha ruộng chuyển qua cam, có năm thu bạc tỉ thì gọi là giàu chứ không phải là khá nữa”, Hai Sang kể.
Theo ông Huỳnh Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, nhiều năm trước đây 2.100 ha đất nông nghiệp của xã bà con chuyên trồng lúa. Dù dãy đất này nằm ven sông Hậu, phù sa màu mỡ nhưng làm lúa cũng chỉ đủ ăn. "Cả xã có gần 3.000 hộ dân nên diện tích canh tác bình quân đầu người tương đối thấp. Nếu chỉ làm lúa, mỗi héc ta thu được cao lắm cũng chỉ 30 triệu đồng/năm. Vài năm trở lại đây, hơn 1.500 ha được chuyển sang trồng cam sành. Rất nhiều hộ trước đây đời sống khó khăn nay đã vươn lên làm giàu nhờ cây cam sành", ông Giàu nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã