Khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 160 hộ chăn nuôi heo cá thể. Trong đó, khoảng 1/3 số hộ có xử lý chất thải bằng cách xây hệ thống hầm biogas, số hộ còn lại xả thẳng chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân khiến xã chưa đạt tiêu chí về môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, người dân cũng bức xúc về tình trạng này, liên tục gửi đơn đề nghị chính quyền xã giải quyết.
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học ở hộ gia đình ông Cường |
Trước tình hình đó, tháng 7-2015, chính quyền xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức tập huấn cho 30 hộ về kỹ thuật chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học, đồng thời tham quan mô hình thực tế tại một số địa phương lân cận. Xã cũng đã triển khai thí điểm mô hình này tại hộ ông Nguyễn Văn Gan (thôn Đắc Lộc 2) và ông Nguyễn Văn Cường (thôn Như Xuân 1). Đây là 2 cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường bị người dân kiến nghị nhiều lần.
Để thực hiện chăn nuôi heo theo mô hình mới, 2 hộ này phải cải tạo lại chuồng trại, mỗi hộ thí điểm 2 ô chuồng, được cán bộ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Sau khoảng 2 tháng thực hiện thí điểm, ông Cường và ông Gan cho biết, cơ sở chăn nuôi heo của các ông giảm hẳn mùi hôi, đàn heo phát triển tốt. “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật này ở các chuồng còn lại để khắc phục mùi hôi...” - ông Gan nói.
Sẽ triển khai đại trà
Theo Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi hộ nông dân giai đoạn 2015 - 2020, về xử lý chất thải chăn nuôi: các hộ sẽ được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi với mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/công trình/hộ; được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/hộ. |
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học là kỹ thuật chăn nuôi mới, đơn giản, dễ thực hiện. Để triển khai mô hình này, người nuôi heo cần cải tạo lại chuồng trại. Mỗi ô chuồng được thiết kế với diện tích khoảng 20m2, dùng 2/3 nền chuồng làm đệm lót, còn lại 1/3 láng xi măng hoặc lát gạch cho heo nằm khi nhiệt độ bên ngoài cao. Nệm lót thông thường là trấu, mùn cưa, xơ dừa, bã mía... Một ô chuồng cần khoảng 2 tấn trấu và mùn cưa, 15kg bột bắp và 2kg men sinh học (chế phẩm Balasa No01). Lượng nguyên liệu này sẽ tạo ra lớp đệm lót dày khoảng 60cm. Để bảo đảm phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, mật độ thả heo từ 10 đến 20 con/ô chuồng tùy theo heo lớn hay nhỏ... Đệm lót được làm và vận hành đúng cách sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm công vệ sinh chuồng trại, tắm heo hàng ngày, giảm chi phí phòng trừ bệnh cho heo. Heo không bị thối bàn chân hoặc què chân, lông da bóng mượt và sạch. Đặc biệt, nuôi heo theo mô hình này hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi...).
Bà Trần Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, qua khảo sát ban đầu, chi phí cho cải tạo chuồng nuôi khoảng 2 - 5 triệu đồng/ô chuồng. Chi phí nệm lót có sự hỗ trợ 50% của Nhà nước nên ít tốn kém. Các hộ chăn nuôi heo quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được. Đối với 2 cơ sở triển khai thí điểm, mùi hôi đã giảm hẳn nên người dân sống xung quanh không còn kiến nghị lên xã. Hiện nay, mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học đã có thêm 15 hộ đăng ký triển khai; xã đang tiếp tục thống kê các hộ có nhu cầu để triển khai đại trà trong thời gian tới.
Theo Báo Khánh Hòa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã