Cái ngông của người nông dân đã giúp anh tạo dựng cơ ngơi hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài năm.
Cuộc sống đang ổn định với nghề kinh doanh tạp hóa ở thị xã, anh bất ngờ dẹp tiệm, bỏ đi mua đất… làm ruộng! Làm ruộng được ít năm anh lại bỏ ruộng, mở trại chăn nuôi. Đang nuôi gà, anh chuyển sang nuôi heo rồi bỏ heo nuôi cá sấu. Việc thay đổi xoành xoạch ấy khiến người thân và bạn bè cho là anh hơi bị… ngông!
Chuyển nghề đúng lúc
Người nông dân “đa hệ” nói trên là Lê Tấn Tài (xã Long Hòa, TX.Gò Công, Tiền Giang). Anh Tài kể: “Hồi trước tôi chỉ mới học hết lớp 9 thì nghỉ. Năm 1987, tôi lập gia đình rồi sống bằng nghề buôn bán tạp hóa ở Gò Công. Sau khi tích lũy được một số vốn, năm 1996 tôi mua 1 ha đất và bỏ buôn bán đi làm ruộng. Làm ruộng được 9 năm, vợ chồng tôi dành dụm và lần lượt mua thêm được tổng cộng 3 ha đất”.
Gò Công là đất ven biển, thời tiết khắc nghiệt, nên làm nông nghiệp không hề đơn giản. Xưa nay người dân trồng rẫy cũng không khá nổi vì mùa nắng luôn thiếu nước ngọt. Phải đến thập niên 1990, sau khi nhà nước đầu tư xây hệ thống “ngọt hóa Gò Công” để ngăn mặn, giữ ngọt mới trồng lúa được. Vậy mà anh Tài đã dám liều bỏ tiền ra mua đất rồi vừa làm, vừa san lấp, cải tạo để trồng lúa. Anh nhớ lại, lúc đó mỗi công đất giá khoảng 8 chỉ vàng, mua rồi phải tốn thêm 4 chỉ nữa để cải tạo từ đất rẫy thành đất ruộng. Nhưng nhờ vậy mà 2 năm sau ruộng của anh làm được 3 vụ/năm và đạt năng suất 5 tấn/ha, trong khi đa số ruộng khác chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha.
Đang làm ruộng có hiệu quả, anh nhận thấy nếu cứ trồng lúa thì rất khó làm giàu. Thế là anh đem 3 ha đất cho người khác thuê lại với giá 600 giạ lúa (12 tấn) một năm rồi tìm đến ấp Long Bình, xã Yên Luông (H.Gò Công Tây) mua 4.000m2 đất để mở trang trại chăn nuôi. Năm 2001, anh bắt đầu nuôi gà thịt với quy mô 2.000 con. Nuôi gà 2 năm, bán được 5 đợt, cho rằng hiệu quả không cao, anh bỏ gà chuyển sang nuôi heo vừa lúc xảy ra dịch cúm gia cầm.
“Dù mới bắt đầu nuôi heo, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại theo mô hình công nghiệp trên diện tích gần 300m2. Lúc đầu tôi nuôi 150 con heo thịt và 30 heo nái. Khi đàn heo nái đẻ, tôi không bán mà để lại nuôi hết. Vì vậy đàn heo của tôi có lúc tới gần 100 heo nái và 600 con heo thịt. Mỗi ngày tốn hơn một tấn thức ăn và chi phí mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng tôi xuất chuồng bán ra khoảng 9-10 tấn heo thịt. Nhưng nuôi heo rất cực vì tốn nhiều công lao động, chi phí thức ăn, thuốc thú y cao, tâm trạng lại luôn phập phồng lo sợ xảy ra dịch bệnh. Do vậy, đến năm 2007, để tránh trắng tay nên tôi bỏ nghề không nuôi nữa khi thấy dịch heo tai xanh bắt đầu xuất hiện. Lúc đó tôi bán sạch đàn heo và thu được gần 2 tỉ đồng”, anh Tài kể.
Thấy chắc mới làm
Trong thời gian nuôi heo, để tận dụng hết nguồn phế phẩm từ chăn nuôi như heo con bị chết ngộp, heo bệnh, anh Tài đã nuôi thử nghiệm 100 con cá sấu và lấy phế phẩm cho cá sấu ăn, thay vì phải bỏ đi. Từ lứa đầu tiên thấy hiệu quả, anh mở rộng chuồng trại và nuôi 300 con, rồi sau đó cải tạo lại toàn bộ chuồng heo để nuôi cá sấu.
“Lứa đầu tiên tôi mua 100 con cá sấu giống dài chừng 1m, giá khoảng 1 triệu đồng/con. Sau 18 tháng nuôi, cá sấu đạt trọng lượng trung bình khoảng 18 kg/con thì tôi xuất bán với giá 100.000 đồng/kg. Tùy theo thời điểm và nhu cầu thị trường, giá bán cá sấu có thể lên hoặc xuống (có lúc giá 150.000 đồng/kg) nhưng mức lãi luôn đạt khoảng 30-40%. Nghề nuôi cá sấu chi phí lớn nhất là đầu tư xây dựng chuồng trại ban đầu và tiền mua con giống. Riêng thức ăn thì dễ mua và chi phí không nhiều. Điều quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ cá sấu luôn ổn định, người nuôi không sợ ế ẩm”, anh Tài chia sẻ.
Vào thời điểm hoàng kim, trại cá sấu của anh Tài có hơn 2.000 con. Do nuôi xoay vòng liên tục nên cứ 6 tháng thì xuất bán một lần. Tính trung bình, mỗi năm anh bán ra hơn 1.000 con cá sấu, tương đương khoảng 18 tấn với tổng thu nhập hơn 2 tỉ đồng/năm. Hiện nay, trại cá sấu của anh Tài đang có khoảng 1.600 con. Anh thành thật: “So với nuôi gà, nuôi heo, thì nuôi cá sấu rất khỏe vì không tốn nhiều công lao động, không hồi hộp vì lo sợ dịch bệnh. Mỗi ngày tôi chỉ tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ để thay nước, dọn chuồng trại vào buổi sáng và đổ thức ăn cho cá sấu vào buổi chiều. Nuôi cá sấu chỉ chăm sóc kỹ trong những tháng đầu. Khi chúng càng lớn thì việc chăm sóc càng nhẹ. Hiện nay tôi đang nuôi thử nghiệm 30 con nhím. Nếu thành công tôi sẽ tiếp tục mở rộng”.
Thành công của anh Tài là ở chỗ anh biết linh hoạt, nhạy bén và dám quyết đoán. “Nhưng trước khi chuyển đổi thì tôi đã làm thử trước. Đầu tiên là thử nghiệm với quy mô nhỏ rồi mở rộng ra quy mô lớn. Khi nào thấy chắc chắn có hiệu quả thì tôi mới quyết định chuyển chớ không phải làm liều”, anh Tài cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã