Ông Trần Quang Phụ. Ảnh ANTĐ
Ông Trần Quang Phụ (thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nay đã ngoài 60 tuổi, tuy nhiên vẫn chưa thôi công việc nghiên cứu sáng chế của mình. Nhắc đến những chiếc máy mà ông Phụ “sắt vụn” này chế tạo ra, thì Chủ tịch Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam, Tiến sĩ Trần Xuân Tư đã phải thốt lên rằng: “Kỳ diệu lắm!”
Qua sự giới thiệu của ông Trần Xuân Tư, phóng viên Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Phụ ngày 1/10/2014. Khi được hỏi về chiếc máy xúc theo lời quảng cáo của Tiến sĩ Tư là gấp 3 lần Nhật Bản, ông Phụ cười vui vẻ: “Mình thấy máy của Nhật nó còn nhiều hạn chế, có nhiều địa điểm chiếc máy ấy không đáp ứng được nhu cầu, vì thế mà mình chế tạo lại thôi. Với cả máy do mình chế thì rẻ hơn, chi phí vận hành cũng thấp hơn máy của Nhật hay máy của Trung Quốc.”
Ông Phụ chỉ được học hết lớp 5, gọi là biết đọc biết viết, sau đó gia đình khó khăn, ông xa quê hương và vào Huế học lấy cái nghề cơ khí. Sau 2 năm học nghề, ông bắt đầu được ông chủ trả lương, nhưng nghĩ việc ở lại Huế thì bà con nông dân ở quê ai sẽ giúp, ông quyết định trở về địa phương và mở xưởng sản xuất ở đây.
Khởi nghiệp của ông Phụ thực tế bắt nguồn từ việc buôn bán sắt vụn. Khi nhìn thấy những chiếc máy bơm, những động cơ, những vòng bi, tuốc bin phải bán sắt vụn vì không có người sửa chữa, ông Phụ thấy rất xót xa và nhặt về để mày mò nghiên cứu. Sáng chế đầu tiên của ông là chiếc máy bơm công suất lớn, giải quyết được vấn đề tưới tiêu cho nông dân cả vùng.
Sản phẩm máy xúc của ông Phụ được miêu tả như sau: “Ở thị trường từ năm 2000 đến nay chỉ có loại máy có gàu múc phạm vi hoạt động nhiều lắm thì đến 10m, nhưng có nhiều lĩnh vực sẽ bị hạn chế, ví dụ như nạo vét đáy sông, luồng lạch, khai thác than bùn, đào đầm nuôi thủy sản... Vì thế tôi quyết định chế ra một chiếc máy xúc có tầm hoạt động xa hơn.
Tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2000 với cấu trúc của chiếc máy của Nhật. Sau đó tôi gia công các thiết bị, đối trọng sao cho đảm bảo yếu tố gấp hai lần công suất Nhật. Đến năm 2002 tôi chế tạo thành công chiếc máy xúc đầu tiên. Nhưng đến nay, chiếc máy xúc của tôi đã được cải tiến cho hiệu quả công việc gấp ít nhất là 3 lần chiếc máy của Nhật.”
Khi được hỏi về những công trình mà chiếc máy súc của ông Phụ đã tham gia, người thợ cơ khí này hồ hởi kể lại: “Nhiều lắm, đếm không hết đâu, làm dầm móng cầu Bến Hải (Quảng Trị), cầu sông Gianh (Quảng Bình), đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Rồi nạo vét sông Ngự Hà, sông Đông Ba ở Huế... Hiện tại công nhân trong xưởng của tôi đang tham gia vào một hợp đồng khai thác than bùn ở địa phương.”
Giá thành một chiếc máy của ông Phụ vào khoảng 500 triệu đồng, trong khi máy của Nhật Bản nhập nguyên chiếc sẽ là hơn 1,2 tỷ, hàng cũ đã qua sử dụng cũng vào khoảng 800 triệu đồng. Về việc kinh doanh máy, ông Phụ cho biết: “Ai có nhu cầu mua thì tôi sẽ bán thôi, nhưng muốn lái được thì phải chịu khó ở nhà tôi mấy bữa, tôi chỉ cho cách lái, chứ nó hơi khác với cái máy bình thường đấy.”
Sở dĩ sáng chế này của ông Phụ được ưa chuộng bởi người thợ này còn chế tạo ra hệ thống sà lan vận chuyển máy, giúp cho máy xúc hoạt động trên sông nước như trên cạn.
Trước câu hỏi về việc ông Phụ đã sáng chế ra bao nhiêu loại máy, ông chỉ cười: “Nhiều lắm, đủ thứ linh tinh, nhưng tâm đắc nhất là cái máy bơm với cái máy xúc, vì nó giúp cho bà con nông dân đỡ cực khổ nhiều lắm.”
Nhận định về trường hợp của ông Phụ, Tiến sĩ Trần Xuân Tư, Chủ tịch Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam cho biết: “Người lao động Việt Nam là một kho tàng kinh nghiệm dồi dào và nếu các nhà khoa học nặng tính hàn lâm, nghiên cứu biết kết hợp với người lao động, hiểu người lao động hơn, thì nền khoa học ứng dụng của nước nhà sẽ tiến rất xa và rất mạnh.”
ĐP (theo ĐVO)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã