Học tập đạo đức HCM

Pả Hoan - tỷ phú bời lời

Thứ sáu - 17/10/2014 03:19
Đó là biệt danh mà người dân 2 xã Hướng Phùng, Hướng Việt (Hướng Hoá, Quảng Trị) đặt cho lão nông Lê Đình Hoan (58 tuổi, trú thôn Cù Bài, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa). Không những là tỷ phú trồng rừng, Pả Hoan (bố Hoan) còn là người có công trong việc đưa giống bời lời về đất Quảng Trị, vận động dân bản trồng rừng để làm giàu.

“Hoan cụt”, “Hoan điên”

Ông Hoan sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị). Năm 1978, ông tình nguyện xin vào bộ đội thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, đến năm 1982 mới xuất ngũ. Thời gian là lính biên phòng, ông cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc thiểu số nên tình cảm gắn bó, thân thiết. Vì vậy, sau khi xuất ngũ, ông quyết định ở lại vùng núi Hướng Hóa.

Thời gian đầu không có việc làm, ông đành làm nghề thu gom sắt phế liệu để kiếm sống. Chính cái nghề nguy hiểm dính phế liệu chiến tranh đã làm ông bị cắt cụt mất nửa bàn tay phải vì trúng bom phát nổ. Biệt danh “Hoan cụt” bắt đầu từ đó.

Bản Cù Bai nơi ông Hoan sinh sống đất đai rộng lớn nhưng dân bản quanh năm đói khổ. Không đành lòng nhìn cảnh dân bản xưa nay đùm bọc mình phải chịu cảnh khoai sắn không đủ ăn, ông Hoan quyết chí tìm cách giúp bà con làm giàu bằng cách trồng rừng.

Hàng ngàn ngọn đồi nơi “cửa tử” Cù Bài những năm chiến tranh bị rải hàng ngàn tấn chất độc hóa học nên cây cối không tài nào mọc được. Duy chỉ một vài cụm cây bời lời là xanh tốt. Nhưng bà con dân tộc Vân Kiều nơi đây chỉ biết chặt, biết khai thác bán lấy tiền chứ không biết trồng rừng nên bời lời rồi cũng tuyệt chủng.

Năm 1999, ông Hoan lặn lội đi hầu hết các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu thời tiết, tìm đến các chuyên gia nhờ tư vấn về cách trồng rừng. Nhận thấy cây bời lời có thể sống ở vùng cao Hướng Hóa, ông Hoan gom góp hơn 20 cây vàng có được sau 15 năm buôn bán phế liệu vào Tây Nguyên mua 120.000 cây giống bời lời về trồng. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển xa xôi, kinh nghiệm lại thiếu nên 80.000 cây con bị chết. Số còn lại trồng trên 15ha nhưng sinh trưởng kém, chết rải rác.

Ông Hoan “nổi điên” bán hết nhà cửa, ô tô, đất vườn ở thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa) lên bản định cư để tiện chăm sóc cây. Đây là lý do người đời bảo ông là “Hoan điên”, vì đang sống sung sướng ở thị trấn lại bỏ vào rừng sâu sống với dân bản thiếu thốn đủ thứ. “Họ nói tôi điên là vì họ chưa hiểu tôi thôi. Tôi bán nhà, bỏ phố vào bản trồng rừng chỉ vì mong ước xóa nghèo cho dân bản chứ ngày đó vài chục cây vàng thêm đất đai, nhà cửa ở thị trấn Khe Sanh đủ cho tôi sống sung sướng tới già” – ông Hoan tâm sự.

“Hoan bời lời” giúp dân làm giàu

Năm 2000, ông Hoan trở lại Tây Nguyên ở luôn mấy tháng liền học kỹ thuật trồng cây bời lời. Trở về Cù Bài, áp dụng kỹ thuật học được, chăm sóc đúng cách nên 15ha bời lời lớn vùn vụt. Rồi cứ thế, mỗi năm ông trồng mới trên dưới 5ha bời lời.

 

 
 
Ông Hồ Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa
  Công lao ông Hoan to lắm. Ông Hoan tiên phong mở lối trồng bời lời giúp dân mình biết trồng, bảo vệ rừng phủ xanh bản làng, làm giàu chính đáng”.
 
Năm 2007, khi ông Hoan đã có trong tay hàng chục ha bời lời, trong đó 15ha trồng năm 1999 đã đến kỳ thu hoạch. Lợi nhuận ít ỏi thu được từ đợt khai thác đầu tiên cộng thêm tiền bán nhà ở thị trấn, ông xây dựng mô hình vườn ươm bời lời giống (10.000 cây) rồi mở rộng lên hàng trăm ngàn cây mỗi năm. “Ngày trước vì phải vận chuyển từ Tây Nguyên xa xôi ra nên cây chết nhiều, sinh trưởng chậm. Giờ mình chủ động được nguồn giống thì chi phí sẽ giảm, cây phát triển tốt hơn” – ông Hoan cho hay.

 

Sống với đồng bào thiểu số đã lâu, ông Hoan hiểu rằng khái niệm trồng rừng chưa bao giờ có trong họ nói gì đến chuyện trồng rừng để làm giàu. Vậy nên, ông Hoan tìm đến hai già làng uy tín- Hồ Xừng và Hồ Thứ. Sau nhiều đêm trò chuyện, hai già làng thấm thía suy nghĩ của “Hoan điên” nên cùng nhau lặn lội đến từng nhà bày vẽ, vận động bà con trồng bời lời. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông chỉ cho dân bản trồng rừng xen khoai sắn, gieo lúa rẫy, nuôi thả trâu bò…

Nhờ có vườn ươm, ông Hoan cung cấp miễn phí cây giống, phân bón, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc bời lời, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm bời lời khi đến tuổi khai thác, đã giúp bà con yên tâm sản xuất, diện tích bời lời tăng lên nhanh chóng. “Mình phải cùng lên rẫy, cùng ăn, cùng ở với bà con, kiên trì vận động thì bà con mới trồng rừng theo mình” – ông Hoan chia sẻ.

Hiện nay, chỉ riêng bản Cù Bai với gần 100 hộ dân đã có hơn 600ha bời lời (bình quân 2.000 cây/ha). 100% các hộ đều tham gia trồng và đều thoát nghèo, làm giàu. Ông Hồ Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói: “Công lao ông Hoan to lắm. Ông Hoan tiên phong mở lối trồng bời lời giúp dân mình biết trồng, bảo vệ rừng phủ xanh bản làng, làm giàu chính đáng”.

Gia đình ông Hoan trồng được 30ha bời lời, trong đó có gần 15ha đã cho thu hoạch. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thu nhập bình quân của gia đình ông trên 300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 người trong thôn bản. Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây bời lời nên nhiều người từ các địa phương khác đã đến học tập. Vườn ươm cây giống bời lời của ông Hoan cung cấp cho người dân 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt. Mỗi năm ông Hoan còn xuất hơn 100.000 cây giống bời lời sang các huyện Mường Noòng, Tù Muồi, Sê Pô giúp người dân nước bạn Lào làm giàu. Đến nay, ở Lào đã có hơn 5.000ha rừng bời lời cho thu hoạch.

Không chỉ thường xuyên lặn lội qua Lào dạy cách trồng bời lời, những hộ dân nghèo còn được ông Hoan hỗ trợ cây giống đến khi thu hoạch mới trả tiền. Mỗi lần gặp ông Hoan, người dân Lào gọi ông là “Thèo ke nhầy” (ông chủ to). Còn ở Hướng Hóa, 5 năm nay ông Hoan được người dân kính trọng gọi với cái tên trìu mến Pả Hoan.

Theo ông Hoan, cây bời lời trồng khoảng 7 năm thì cho thu hoạch. Vỏ cây bời lời dùng để ép lấy dầu dùng trong công nghiệp. Thân bời lời thẳng nên khi hết tuổi cạo vỏ sẽ cưa cây bán gỗ với giá rất cao. Mỗi ha bời lời cho khoảng 2 tấn vỏ khô với giá 40 triệu đồng. Trong năm 2014, riêng bản Cù Bai có hơn 100ha rừng bời lời đã cho khai thác, với thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ha/năm thì bản Cù Bai nghèo khó đã có hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc làm giàu, ông Hoan còn là một tuyên truyền viên trong việc phát báo cho bà con bản Cù Bai. Từ năm 2006 đến nay, ông Hoan còn trèo đèo lội suối làm cộng việc cao đẹp quy tập được hơn 30 ngôi mộ liệt sĩ.

Nguồn: danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập464
  • Hôm nay62,445
  • Tháng hiện tại767,558
  • Tổng lượt truy cập90,830,951
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây