“Người giữ rừng - là những nông dân được nhà nước giao khoán đất rừng ngập mặn - hàng chục năm nay họ khó khăn vất vả để bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường trong lành và an toàn cho cả nhân loại nhưng những gì họ nhận lại quá ít, cuộc sống bấp bênh. Vì thế tôi muốn làm điều gì đó có thể giúp họ vươn lên, đồng thời giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch, tự nhiên”- Đó là câu chuyện khởi nghiệp của cô gái xứ dừa 29 tuổi Trịnh Thị Ngọc Hiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty AnFoods ở phường Phú Tân, thành phố Bến Tre (Bến Tre).
Chị Ngọc Hiện cho biết, ý tưởng kinh doanh của cô xuất hiện trong quá trình thực hiện các dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại vùng ven biển Thạnh Phú - Bến Tre. “Trong gần 5 năm lăn lộn, gắn bó với người dân nhận thấy nơi đây không chỉ có cảnh đẹp mà dưới tán rừng còn có nhiều loài thủy đặc sản “sạch” có thể giúp người dân tăng thêm thu nhập”, chị Hiện nói.
Người giữ rừng ở địa phương trung bình mỗi hộ được khoán khoảng 10 ha, nhà nước chi trả chỉ 100 ngàn đồng/ha/năm. Số tiền này rất ít ỏi, nên người dân chủ yếu sống bằng khai thác thủy sản dưới tán rừng. “Đây là thủy sản hoàn toàn tự nhiên không sử dụng hóa chất nhưng giá bán chưa cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn kết nối với những người giữ rừng nhằm tiêu thụ sản phẩm thủy sản, giúp họ ổn định thu nhập, an tâm giữ rừng”, chị Ngọc Hiện tươi cười nói.
Theo lời Hiện, hiện nay, tại nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là ở TPHCM, nhiều người rao bán cua biển ở vỉa hè chỉ với giá vài chục nghìn đồng/con loại có trọng lượng từ 500g đến gần 1kg nhưng ít người mua. Việc này là do chất lượng cua không tốt, cua bị buộc dây và nhất là đội lốt cua thiên nhiên... Bên cạnh đó, chưa kể tình trạng bơm tạp chất vào tôm để trục lợi mà cơ quan chức năng đã phát hiện trong thời gian qua của nhiều cơ sở thu mua khiến người tiêu dùng lo sợ. Vì thế, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang được người dân đặc biệt quan tâm.
Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng
Năm 2010, Ngọc Hiện tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm ở TPHCM rồi về quê làm việc tại Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre. Lúc này, đơn vị được tài trợ dự án FSPS2 (chương trình hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ do Chính phủ Đan Mạch tài trợ) và được phân công tham gia và gắn bó với người dân xứ biển Thạnh Phú.
Chị Ngọc Hiện nói rằng, để “sống được” với niềm đam mê và quyết tâm của mình thì ban đầu gặp rất nhiều khó khăn từ thị trường, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. “Có sản phẩm sạch trong tay, tôi kiên trì gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị ở TPHCM và các tỉnh lân cận trong thời gian khá dài. Trong lúc đó may mắn có 2 cửa hàng bán sản phẩm sạch, tự nhiên đồng ý mua sản phẩm của tôi. Bản thân mừng và quyết tâm nắm lấy cơ hội này”, Hiện bộc bạch. Đồng thời, Hiện tiếp tục tìm kiếm thị trường thông qua facebook, mạng xã hội, bạn bè… dần dần khách hàng biết đến rồi phát triển. “Muốn người ta tin mình thì trước hết mình phải làm đàng hoàng, có niềm tin thì mọi người mới chấp nhận”, cô Chủ tịch HĐQT 8X tâm sự.
Nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng, cô gái trẻ này bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp theo cách riêng của mình. Ban đầu chỉ 2 hộ dân ở rừng chịu bán thủy sản cho Hiện với giá cao hơn 15% so với bán ngoài chợ. Các loại thủy sản đặc trưng dưới tán rừng như: cá đối, cá chẽm, cá nâu, bống cát, tôm sú, cua… được đặt hàng để tiêu thụ. Dần dần người dân xung quanh thấy hiệu quả nên tham gia cùng làm ăn với cô gái trẻ này nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện tại, trung bình mỗi tuần, Cty của Ngọc Hiện bán khoảng 800 kg hải sản các loại, lợi nhuận khoảng 15%. Khi sản phẩm được thu mua từ người dân sẽ được làm sạch, cấp đông, hút chân không và đem đến các đầu mối tiêu thụ.
Dự án khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng” của Ngọc Hiện đoạt giải 3 cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 2 năm 2016” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Tiếp sức cho người giữ rừng
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre nói rằng, nhờ có sự tiếp sức của Ngọc Hiện, người giữ rừng bán được nguồn lợi thủy sản với mức giá hợp lý, các sản phẩm của họ được xây dựng thương hiệu và có kênh phân phối không lẫn lộn với các sản phẩm không rõ xuất xứ khác trên thị trường. Từ đó, người giữ rừng có thu nhập ổn định, yên tâm bảo vệ và tái tạo rừng ngập mặn. Người tiêu dùng thì có được sản phẩm an toàn với giá hợp lý, truy xuất được nguồn gốc và minh bạch thông tin.