Năm 2014, chị Dịu là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Ninh được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014". Năm 2015, chị được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV… Mới đây, chiều ngày 14/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, chị Đặng Thị Dịu cùng 86 nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc qua 30 năm đổi mới và năm 2017, vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt và biểu dương.
Tiên phong, quyết liệt
Nhắc đến chị Đặng Thị Dịu, nhiều anh em trong giới nuôi tôm Quảng Ninh luôn dành cho chị sự trân trọng đặc biệt, không chỉ bởi chị là người có kinh nghiệm trong nghề mà còn bởi tính tiên phong, quyết liệt.
Còn nhớ năm 1994, chị Dịu, người phụ nữ một nách 4 con nhỏ đã xung phong đi khai hoang tại khu vực Mũi Sủi (hiện nay thuộc địa phận khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái), vốn là vùng cửa biển, sông nước hoang vu toàn sú vẹt. Chị Dịu kể: Ngày tôi ra Mũi Sủi, nơi đây không một bóng người, xung quanh toàn cây cối rậm rạp, đến một đám đất bằng phẳng để ngồi cũng không có, đêm hôm nghe tiếng nước ì oạt dội vào, những tiếng vạc ăn đêm vỗ cánh kêu thảng thốt…, thật sự rất đáng sợ. Thế nhưng, nghĩ mình xin ra đây để cải tạo vùng đất này, để kiếm được con cá con tôm cho các con ăn, có cơ hội phát triển kinh tế nên nhất định phải vượt qua nỗi sợ hãi.
Mũi Sủi hoang sơ ngày nào nay đã trở thành những đầm nuôi tôm rộng lớn. |
Từ động lực này chị Dịu quyết tâm bám trụ Mũi Sủi, dựng chòi ở, phát quang cỏ dại, lăn lác, thả lưới bắt cá, tôm. Thế rồi ngày qua ngày, mẹ con chị Dịu quen với khung cảnh mới, cuộc sống cũng dần ổn định hơn, chị cùng gia đình be bờ, đắp đất ngăn nước mặn, bao thành khu đầm rộng và hình thành các ô nuôi tôm, cá. Mới đầu, chị lợi dụng nguồn tôm cá trong tự nhiên để nuôi quảng canh, sau rồi chị thả thêm con giống để nâng cao sản lượng, rồi chị dành riêng một số ao để tập trung nuôi tôm sú cao sản.
Clip:
Tầm nhìn dài hạn
Năm 2000, khi phong trào nuôi tôm trong toàn tỉnh còn khá mới mẻ thì chị Đặng Thị Dịu đã có 1ha ao nuôi tôm sú cao sản. 3 năm sau, chị Dịu mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, đối tượng nuôi cho giá trị và lợi nhuận gấp nhiều lần so với tôm sú, song thời điểm đó hầu như mới chỉ nghe nhắc tới tại các tỉnh thành miền Nam. Sau khi nuôi, con tôm thẻ chân trắng phù hợp với môi trường nước, khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao, tôm lớn nhanh, sức sống tốt, thị trường tiêu thụ rất rộng mở. Với kết quả này và từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Móng Cái, chị Dịu không ngừng mở rộng diện tích nuôi tôm. Đến năm 2014, chị Dịu đã có gần 30ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt gần 50 tấn/năm.
Sau những vất vả, chị Đặng Thị Dịu đã gặt hái những thành quả xứng đáng. |
Để chủ động về con tôm giống, tránh nguồn giống trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ, năm 2008, chị Dịu đầu tư xây dựng nhà xưởng nuôi vỗ tôm thẻ bố mẹ và nhân ương nuôi tôm giống tại chỗ. Sản lượng đạt 600-700 triệu con/năm. Đây có thể nói là hạng mục sản xuất khá khó, bởi với đặc thù về khí hậu, nguồn nước, nguồn thức ăn không thích hợp với việc sản xuất giống, thế nhưng nhờ chịu khó quan sát, học hỏi từ các chuyên gia, chị Dịu thành công với mô hình nuôi tôm giống, từng bước đáp ứng về con giống cho gia đình cũng như cung cấp cho các hộ nuôi bên cạnh.
Nhận thấy quy mô sản xuất đã được mở rộng hơn rất nhiều so với khởi điểm, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, giữa tháng 7/2009, Công ty cổ phần Thành Nam do chị làm chủ chính thức thành lập. Từ đây, mô hình sản xuất của chị Dịu chuyên nghiệp hơn, tiếp cận được thị trường cũng như các bạn hàng chặt chẽ hơn, nâng cao giá trị sản xuất.
Nhờ thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, chị Đặng Thị Dịu đã nhiều lần được tham dự các cuộc gặp mặt, tuyên dương của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Làm giàu bền vững
Nhìn cơ ngơi nuôi tôm của chị Dịu bây giờ không ai còn nhận ra vùng Mũi Sủi hoang vu năm nào. Tất cả đều là những ô nuôi tôm được bê tông hóa nối dài, xa tắp. Ao nào cũng có những bộ máy sục khí tạo ô xi tung bọt trắng xóa, tấp nập hoạt động của những công nhân thăm nuôi, cho tôm ăn…Toàn khu nuôi được bao bọc bởi gần 4km đường đê, được nối với nhau bằng hệ thống đường giao thông đủ rộng để xe ô tô ra thu mua tôm tận ao nuôi, hệ thống đường điện chiếu sáng và các trạm biến áp, kho lưu thức ăn, kho chứa hóa chất… được đầu tư khá hiện đại. Hiện nay, năng suất mỗi ha tôm của chị Dịu ổn định, đạt trên 15 tấn/vụ, 30 tấn/năm; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.
Chị Đặng Thị Dịu chia sẻ những thành tích đã đạt được trong thời gian qua. |
Nói về bí quyết thành công, chị Đặng Thị Dịu chia sẻ: Nghề nuôi tôm hay bất cứ nghề nào đều không thể thành công nếu không có sự chăm chỉ và lòng quyết tâm. Với tôi, nếu như không có những ngày gian khó khai hoang Mũi Sủi, không có ý chí quyết tâm thoát nghèo, cho con cái ăn no mặc ấm thì tôi không thể có những kết quả như ngày hôm nay.
Clip:
Chị Dịu cũng khẳng định: Nuôi tôm ngày càng cho thấy là mô hình sản xuất hiệu quả đối với người nông dân. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, mô hình này đối mặt với khá nhiều khó khăn, trong đó dịch bệnh là thách thức lớn nhất. Chính bởi vậy, người nuôi cần phải học hỏi để có kiến thức về lĩnh vực này, nâng cao kỹ năng thực hành nhằm phòng, phát hiện và chống bệnh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng, cấp chính quyền cũng cần xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tiếp cận vốn vay và lãi suất ưu đãi để giúp người dân mở rộng sản xuất, lan tỏa các mô hình nuôi tôm sản lượng, chất lượng cao.
Theo Việt Hoa - Hùng Sơn - Lương Công/baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã