Tuyến đường nội bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) được bê tông hóa.
Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Yên Châu đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo sự đồng thuận và tự nguyện tham gia góp công, góp sức để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện duy trì chuyên mục “Yên Châu chung tay xây dựng nông thôn mới” bằng hai thứ tiếng Việt và Thái trên sóng phát thanh, truyền thanh của huyện, chuyển tải đến người dân các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; nêu gương những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân diện rộng. Do “Được biết, được bàn, được làm, được quyết định” trong 9 tháng năm nay, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân trong huyện đã góp công, góp sức, hiến đất khởi công xây dựng 26 công trình, trong đó 20 công trình đường giao thông nông thôn, gồm 56 tuyến đường theo Nghị quyết 115/2015/NQ-HĐND, với tổng chiều dài trên 19,6 km; 1 công trình trường học; 1 công trình điện; 1 công trình cầu; 2 công trình nhà văn hóa và 1 công trình bãi chôn lấp rác thải.
Từ điều kiện thực tế, huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh việc giảm dần diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như xoài, chuối, nhãn... Trong 9 tháng năm nay, đã trồng mới 960 ha cây ăn quả các loại, riêng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc tại đèo Chiềng Đông có quy mô 112,3 ha (34,3 ha nhãn ghép chín muộn, 78 ha xoài ghép Đài Loan). Tại xã Mường Lựm, triển khai thực hiện dự án trồng 110 ha cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái theo chủ trương của tỉnh; triển khai mô hình liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng 10 ha cây chanh leo, mở ra hướng đi mới cho người dân trong xã..., góp phần nâng tổng diện tích ăn quả trong toàn huyện lên 4.327 ha. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 7 HTX nông nghiệp phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ (hiện sản phẩm xoài đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Úc).
Cùng với đó, chăn nuôi được phát triển theo hướng tăng quy mô đàn, với 30.820 con trâu, bò; 19.200 con dê; trên 31.400 con lợn trên 2 tháng tuổi; 349.000 con gia cầm... Để giúp nông dân có kiến thức kỹ thuật áp dụng vào thực tế sản xuất, 9 tháng năm 2017, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức 169 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho 7.950 lượt người. Đồng thời, phối hợp với Công ty Sygenta Việt Nam, Công ty DEKALB và Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Công ty Đại Thành tổ chức 12 cuộc hội thảo tư vấn sản xuất ngô đầu vụ tại các xã: Phiêng Khoài, Sặp Vạt, Chiềng On, với 1.870 lượt người tham dự...
Qua thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường trong toàn huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Số lượng điểm trường, lớp học được tăng thêm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học được quan tâm đầu tư. Đến thời điểm này, huyện có 2 xã đạt tiêu chí về trường học và 2 xã đạt tiêu chí giáo dục. 9 tháng qua, huyện đã đầu tư 2,1 tỷ đồng duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất cho 8 trạm y tế và mua sắm trang thiết bị y tế, từng bước đáp ứng việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ở cơ sở. Hiện, 13/14 xã, thị trấn có trên 90% số người dân tham gia bảo hiểm y tế; 11/14 trạm y tế có bác sỹ; 13/14 xã có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 26%; 5 xã đạt chuẩn tiêu chí y tế. Cùng với đó, 14/14 xã có nhà văn hóa, 175/190 bản có nhà văn hóa (35 bản có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định); 1 xã đạt tiêu chí văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp; các nguồn kinh phí hỗ trợ hạn hẹp, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao do địa bàn các xã rộng, địa hình chia cắt. Trong thực hiện, có nơi người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước; các hợp tác xã chưa phát huy được vai trò chủ đạo hỗ trợ sản xuất của nông hộ... Xác định rõ những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Yên Châu ưu tiên mọi nguồn lực xã hội hóa cho chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường thực hiện các tiêu chí gần đạt, cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tiếp tục duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường để bàn giao đưa vào sử dụng; dừng triển khai các công trình chưa được phê duyệt. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất... Phấn đấu đến hết năm 2017, có 100% số xã đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng an ninh; năm 2018, có thêm xã Viêng Lán đạt chuẩn nông thôn mới...
Theo Hồng Luận /Báo sơn La.vn