Sản xuất rau mầm theo tiêu chuẩn VietGAP tại trang trại rau an toàn HB, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ANH SƠN
Những nút thắt cần tháo gỡ
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy nhiên, công tác này ở Bình Dương còn một số hạn chế và đang đối mặt với những khó khăn nhất định.
Các sản phẩm nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao của Bình Dương hiện có giá thành cao; nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, lại bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm cùng loại được sản xuất từ những vùng nông nghiệp truyền thống. Tín dụng nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao.
Về phía các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đô thị cũng có nhiều trăn trở. Sản phẩm rau mầm của cơ sở Khải Yến ở Bình Dương hiện không đủ bán. Cơ sở phải mở rộng thêm năm chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trong nước để cung cấp cho thị trường mỗi ngày khoảng hai tấn rau mầm, nhưng chủ cơ sở Khải Yến vẫn còn nhiều tâm tư. Theo ông Huỳnh Văn Khải, mặc dù cơ sở đã nỗ lực xây dựng thương hiệu rau mầm, bảo đảm tất cả các yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có đầu ra rất tốt..., nhưng khi bán cho đối tác đưa vào siêu thị thì nhãn mác của cơ sở không còn nữa, thay vào đó là nhãn mác của đơn vị trung gian.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh, quá trình đô thị hóa ở Đồng Nai đang diễn ra rất nhanh, do vậy diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng nhanh chóng bị thu hẹp, khiến nông dân càng khó khăn trong việc tìm đất sản xuất. Cái khó nữa là diện tích đất để sản xuất nông nghiệp ở đô thị lại nhỏ lẻ, nằm phân tán. Hiện nay, một số vùng sản xuất rau ở TP Biên Hòa (các phường Trảng Dài, Hố Nai, Tân Biên, Tân Phong) ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng sản xuất rau xen nhà ở, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số diện tích đất trống có thể trồng trọt nhưng có nguy cơ bị ô nhiễm rất cao do nguồn nước, khói bụi, rác thải... Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đô thị cần ứng dụng công nghệ tiên tiến (trồng rau thủy canh, khí canh, nhà màng, nông nghiệp thông minh...) yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí lớn nhưng giá rau rẻ nên ít người đầu tư; sản xuất nông nghiệp phần lớn trên diện tích đất nhỏ lẻ (chăn nuôi hoặc trồng trọt) cung cấp cho gia đình để tiết kiệm chi phí, không phải là sản xuất hàng hóa.
Để nông nghiệp đô thị phát triển thực chất
Để khắc phục những hạn chế, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ tạo đòn bẩy cho nông nghiệp đô thị phát triển, nhằm thích ứng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Tại Hội nghị “Gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp - khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” do Sở NN - PTNT thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này đã nêu nhiều kiến nghị, vướng mắc. Chẳng hạn, có nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương cho DN nông nghiệp được vay vốn ưu đãi lên đến hàng chục tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất, kể cả hỗ trợ về bảo hiểm..., nhưng giữa văn bản với việc triển khai lại có khoảng cách khá xa. Giá thuê đất để ứng dụng sản xuất nông nghiệp đô thị quá cao. Việc cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm phải mang mẫu đến các trung tâm để kiểm tra còn quá tốn kém. Việc đăng ký hồ sơ thương hiệu với các cơ quan chức năng, thực hiện còn chậm...
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Trung ương khảo sát kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với Thành ủy TP Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho các hợp tác xã, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn theo hình thức tín chấp, hoặc bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay; đồng thời định giá tài sản theo giá thị trường thực tế, góp phần nâng hạn mức cho vay đối với hợp tác xã, DN nông nghiệp.
Cũng theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng nền nông nghiệp đô thị phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đẩy mạnh hợp tác cơ giới hóa, công nghệ hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của cư dân nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết: Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung khai thác một cách tốt nhất lợi thế đối với nông nghiệp đô thị của tỉnh; trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và mức độ thích nghi cao; ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất; kết nối sản xuất nông nghiệp với các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm và công nghiệp chế biến để nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng. Bảo đảm định hướng chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng cao, giá cả hợp lý, khối lượng đủ lớn, không làm ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các phương án sản xuất của cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đô thị có thể vay vốn với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định, thời gian vay ưu đãi lên đến 5 năm. Chính sách này đã tác động tích cực, tạo điều kiện cho nhiều mô hình nông nghiệp đô thị phát triển. Tính đến hết năm 2017, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương đã thẩm định và quyết định cho vay 48 phương án với tổng mức vốn được duyệt vay 237 tỷ đồng và đã giải ngân 207 tỷ đồng.
Để nông nghiệp đô thị phát triển căn cơ hơn, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Đề án nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiện nay nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được hình thành, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Do vậy, Hội Nông dân thành phố cần tăng cường mối quan hệ liên kết giữa nhà nông với Nhà nước, DN, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình hợp tác xã, DN nông nghiệp, trang trại, phát triển nông nghiệp bền vững. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản lý và liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức hợp tác khác với Liên hiệp Hợp tác xã thành phố, hệ thống các siêu thị, các DN giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Phối hợp phát triển và nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, gắn việc đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, hiệu quả bền vững.
Vườn lan Mokara của ông Bùi Văn Sang ở tỉnh Bình Dương.
Tác giả bài viết: HỒNG LÂM, TRỊNH BÌNH, THIÊN VƯƠNG
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã