Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc trao đổi về tái cơ cấu nông nghiệp. (Ảnh: Đoàn Hồng)
Sức bật mới từ cánh đồng lớn
Ông Hồ Ngọc Mẫn (ảnh) – Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu Ngành NN, cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ Ngành NN của Đại Lộc có sự chuyển dịch tích cực. Hiện nay, toàn huyện có 13 xã tham gia xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích sản xuất lúa là 1.596,2 ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha.
Đặc biệt, nhiều vùng sản xuất lúa giá trị thấp, thiếu chủ động nước tưới đã được chuyển đổi sang trồng cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị cao như: bắp, đậu phụng, ớt, thuốc lá, đậu xanh, dưa hấu… Nhiều cánh đồng rau sạch đạt giá trị từ 120-150 triệu đồng/ha. Một số mô hình trồng cây lâm nghiệp ra đời như: Trồng mây nếp, trồng chè ở Đại Thạnh, trồng loon boong ở Đại Sơn… đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ở các xã Đại Quang, Đại Thạnh, Đại Thắng, Đại Minh diện tích vườn cải tạo nâng lên 2.000/2.500 ha, vườn cây ăn quả trên 15ha và đang phát triển khá tốt. Nhiều mô hình kinh tế vườn đạt giá trị sản xuất trên 150 triệu đồng/ha, nhất là ở các mô hình vườn cây – ao cá – chuồng trại chăn nuôi. Hầu hết các địa phương, các mô hình chuyên canh trồng chuối, trồng rau, hoa cây cảnh được nhân rộng. Nhiều mô hình sản xuất luân canh, xen canh cho thu nhập 150 – 200 triệu đồng/ha/năm, từng bước tạo nên bức tranh NN khởi sắc.
Ông Mẫn cho biết thêm: Chăn nuôi phát triển đa dạng về quy mô và chủng loại. Tính đến nay, toàn huyện có 118 gia trại chăn nuôi bò, sản xuất lợn giống và lợn thịt, gia cầm, thủy cầm; 16 trang trại có doanh thu trên 2 tỉ đồng/năm. Đây là tiền đề nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu nhập 40 triệu đồng/người vào năm 2020
Qua hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi của huyện được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Đại Lộc đã có 7 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 14,18 tiêu chí, tăng bình quân 8,53 tiêu chí so với năm 2010.
Liên kết sản xuất lúa lai, lúa thuận với tổng diện tích hơn 1.800ha đã giúp cho nông dân Đại Lộc có thu nhập ổn định. (Ảnh: Đoàn Hồng)
“Có được những kết quả trên là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, đóng góp to lớn của nhân dân…” - ông Mẫn chia sẻ.
Hiện nay, đối với 7 xã đã đạt chuẩn NTM (Đại Hiệp, Đại An, Đại Hòa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong và Đại Hồng), huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất NN – DV - TTCN trên địa bàn, hướng đến tăng thu nhập bền vững cho người dân, phát triển môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, chú trọng triển khai thực hiện “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” một cách hiệu quả nhất.
Huyện phấn đấu đến năm 2020 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên thành 13 xã, chiếm tỷ lệ 76,47%. Các xã còn lại (4 xã) phấn đấu đạt 14 tiêu chí/xã trở lên. “Để làm được điều này, Đại Lộc sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%...” - ông Mẫn thông tin.
Đến năm 2020, tất cả 17 xã đều triển khai xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”; trong đó, có ít nhất 03 thôn của 03 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 được công nhận “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” trong năm 2017; 07 thôn của 07 xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2016 được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” ...
Thời gian tới, Đại Lộc tiếp tục tập trung vào những nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, coi trọng kiện toàn bộ máy lãnh, chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Xem công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tổ chức rà soát lại quy hoạch NTM, quy hoạch vùng sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành NN và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương trong giai đoạn mới.
Vùng trồng rau chuyên canh theo hướng VietGAP có diện tích trên 47ha ở làng rau Bàu Tròn, xã Đại An. (Ảnh: Đoàn Hồng)
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tổ chức thực hiện thành công Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, Đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Lựa chọn các dự án, công trình cấp thiết để ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, hoàn thiện đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn, nâng cao tỷ lệ và đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Cụ thể như: Làm trước các công trình thiết yếu, trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như thủy lợi, giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… Tiếp tục chỉ đạo 17 xã triển khai thực hiện “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, trong đó ưu tiên thực hiện các tiêu chí “mềm” chưa cần nguồn lực, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với chỉnh trang vườn nhà, đường làng, ngõ xóm; bảo vệ môi trường…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã