Từ trồng lúa sang trồng nấm...
Anh Bùi Văn U chuẩn bị rơm cho trồng nấm.
Anh Bùi Văn U xuất thân từ gia đình nông dân nên quanh năm chân lấm tay bùn, cuộc sống khá vất vả với 2 công (2.000m2) ruộng nhưng cho thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, với đức tính cần cù, chịu khó, anh nuôi ý nghĩ tìm loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thấy mô hình trồng nấm phù hợp với điều kiện địa phương, năm 2000, anh U theo học lớp kỹ thuật trồng nấm mèo trắng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Lúc đầu nấm mèo trắng không đạt được hiệu quả và năng suất như mong muốn, anh U tiếp tục tìm hiểu và trồng nấm rơm. Anh chia sẻ, trồng nấm phải có niềm đam mê nên dù có thất bại nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi, tìm ra hướng khắc phục. Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi nhưng anh quyết tâm sẽ thành công từ nghề nấm.
Năm 2010, anh U được theo học lớp làm meo và kỹ thuật trồng các loại nấm với thời gian hơn 1 tháng tại Trung tâm Công nghệ sinh học (TP. Hồ Chí Minh). Một hướng đi mới đầy triển vọng và mở ra con đường cho “triệu phú” nấm bào ngư như hôm nay.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm bào ngư cũng như kỹ thuật để sản xuất meo giống, bước đầu anh U thu được kết quả khả quan. Anh trồng thử nghiệm mô hình nấm bào ngư với 500 bịch phôi giống, sau khi đóng phôi 20 ngày là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài gần 1 tháng.
Phát triển mô hình nấm bào ngư
Chị Võ Thị Dung, vợ anh U đang chăm sóc nấm bào ngư.
“Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc, không cần đầu tư nhiều vốn, không tốn nhiều diện tích. Nấm bào ngư dễ trồng hơn so với một số loại nấm khác, nhưng để có hiệu quả thì cần nguyên liệu như: rơm khô, mạt cưa, xác bắp (ngô)... sạch, không nhiễm bệnh. Nấm bào ngư cần ít ánh sáng, ít gió, thích độ ẩm cao và nhiệt độ thích hợp từ 20 - 25 độ C. Tỷ lệ hao hụt thấp hơn so với những loại nấm khác và kỹ thuật trồng cũng không quá khó, phù hợp với điều kiện địa phương nên dễ dàng cho hiệu quả kinh tế cao”, anh U chia sẻ kinh nghiệm.
Nấm phát triển tốt trong môi trường ẩm thấp nhưng nhà trồng phải sạch sẽ, trong quá trình trồng cần chú ý cung cấp đầy đủ nước và độ ẩm cho phôi nấm. Quá trình thu hoạch và bảo quản nấm cũng phải rất cẩn thận, để đảm bảo nấm không bị mất chất. Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi có thể ủ làm phân bón cho các loại cây trồng.
Nhà trồng nấm của anh U có diện tích 80m2, treo 3.000 bịch phôi giống, mỗi ngày thu hoạch 40 - 50kg nấm thương phẩm, thương lái thu mua với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 10.000 đồng/kg.
Ngoài trồng nấm, anh U còn tiến hành đóng phôi giống và bán ra thị trường các tỉnh như: An Giang, Vĩnh Long và các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Mỗi bịch phôi giống có giá 10.000 đồng, mỗi vụ đóng khoảng 6.000 bịch; trừ chi phí, lãi hơn 4.000 đồng/bịch.
Trồng nấm bào ngư phải qua nhiều công đoạn từ thu mua rơm, ủ rơm, đóng bịch phôi giống, thu hoạch nên cũng tạo được công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi trên địa bàn xã. “Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng thêm một nhà trồng nấm nên cần khá nhiều nhân công. Hiện chúng tôi đang thuê 6 nhân công với thù lao từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày, tùy từng công việc”, chị Võ Thị Dung (vợ anh U) cho biết.
Mô hình trồng nấm bào ngư của “triệu phú” Bùi Văn U mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, có thể nhân rộng trên địa bàn huyện Hồng Ngự.
Chí Nghĩa
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã