Ông Nguyễn Việt Hùng, ông Trần Soàn Chênh (cùng ngụ Ấp 1, xã Khánh Thuận) và ông Nguyễn Văn Lý (quê huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cùng hợp tác trồng khoảng 17 ha ớt.
Là người phụ trách kỹ thuật, ông Lý cho biết: “Huyện Thanh Bình nổi tiếng về trồng và xuất khẩu ớt. Tuy nhiên, để đầu tư trồng ớt phải bỏ ra chi phí trên dưới 100 triệu đồng/ha. Được giới thiệu vùng đất Khánh Thuận có thể trồng được màu và cây ăn trái xen canh trồng rừng, tôi đem giống ớt hiểm về trồng thử nghiệm trên bờ bao và thấy đạt hiệu quả, do phù hợp thổ nhưỡng, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Khi hợp tác với người dân ở đây, chi phí đầu tư chỉ khoảng 40 triệu đồng/ha”.
Đất trồng keo lai đã được lên liếp sẵn, chỉ cần rải vôi xử lý phèn, trải bạt để hạn chế cỏ dại, hạt giống sau khi ươm bầu từ 25-30 ngày sẽ đem xuống trồng. Trung bình 1 ha có thể trồng được 30.000 cây ớt, sau 3 tháng có thể thu hoạch, cho năng suất khoảng 1 tấn trái. Giá ớt trung bình từ 20.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 70.000-80.000 đồng/kg.
Ớt trái sau thu hoạch được chuyên chở về bán cho các cơ sở thu mua tại tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lý cho biết thêm, hơn 2 tháng nay, khi ớt tươi xuống giá thấp, ông chuyển sang phơi ớt khô. Trung bình 3 kg ớt tươi sau khi phơi 5-7 ngày sẽ cho ra 1 kg ớt khô, giá bán 60.000-70.000 đồng/kg.
Từ khi mô hình trồng ớt được thực hiện, nhiều lao động nhàn rỗi, nhất là phụ nữ địa phương, rất phấn khởi vì có thể kiếm thêm thu nhập. Vào thời gian thu hoạch cao điểm, ớt chín rộ, có trên 70 người đến đây bẻ ớt thuê với giá 3.500 đồng/kg đối với ớt còn cuống và 7.000 đồng/kg đối với ớt được bẻ lẩy cùi. Mỗi người có thể bẻ 30-50 kg/ngày, người làm giỏi 70-80 kg/ngày. Người đến đây làm cỏ mỗi ngày cũng kiếm được 130.000 đồng.
Trồng ớt trên đất trồng keo lai được xem là mô hình mới, tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả cao, do nguồn đạm từ keo lai để lại sau vụ thu hoạch rất lớn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận Trần Rô Y cho biết: “Ớt dễ trồng, khả năng kháng bệnh tốt, khi được trồng trên đất lâm phần phát triển tốt và cho năng suất cao, thời gian thu hoạch kéo dài đến 8 tháng. Khi tìm được đầu ra, giá cả tương đối ổn định, cây ớt không chỉ đem lại lợi nhuận cho chủ hộ mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương”.
Theo Mơ Thảo/baokinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã