Anh Vịnh đam mê trồng nấm xuất phát từ tình hình kinh tế tại địa phương ngày một thay đổi, đời sống người dân đã được cải thiện, không còn cảnh ngày hai bữa nổi lửa bằng rơm rạ nấu cơm. Nhà nào cũng sử dụng bếp gas để đun nấu thức ăn, nên cứ hễ đến vụ gặt hái xong là lại đốt rơm rạ ngay tại ruộng, khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường.
Khắc phục tình trạng lãng phí và làm sạch môi trường, anh Vịnh đã nảy ra ý định tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ này phục vụ vào việc trồng nấm phát triển kinh tế gia đình, tạo ra một sản phẩm sạch giàu dinh dưỡng cho cộng đồng.
Không ngại khó, anh bắt tay vào học hỏi kỹ thuật trồng nấm. Anh Vịnh đã quyết định vay vốn từ ngân hàng, cộng với số vốn hiện có, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng lán trại trồng nấm sò và nấm mỡ trên diện tích 2.200m2.
Lúc đầu, anh vừa làm vừa lo vì vốn liếng gia đình đổ hết vào đầu tư, nếu không thành công thì coi như trắng tay. Anh đã cố gắng động viên mình bằng cách kiên trì vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, thận trọng hơn trong kỹ thuật từ khâu thu gom rơm đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất, chăm sóc, quan sát các thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời.
Anh Vịnh chia sẻ: “Trồng nấm không hề khó, nhưng quan trọng nhất là vấn đề ô nhiễm, nhiễm khuẩn lán trại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của cây nấm. Dù làm đúng quy trình, nhưng khi cấy giống mà bầu không lên trắng là coi như hỏng. Vì thế, làm nấm cũng cần phải có sự kiên trì và tâm huyết với nghề, phải tỉ mẩn và chuyên tâm trong từng công đoạn mới có thể thu được hiệu quả cao”.
Công sức anh Vịnh bỏ ra đã thu được thành quả xứng đáng. Hiện nay, mỗi ngày anh Vịnh thu hoạch 180kg, có thời điểm mỗi ngày thu hoạch 200 - 300kg, với giá từ 25.000 - 30.000 đồng /kg. Thị trường tiêu thụ 70% cung cấp tại Hải Phòng và Hải Dương, là thực phẩm sạch, lại không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất nên rất được thị trường ưa chuộng. Nấm của gia đình anh Vịnh sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thời điểm giáp tết còn không có để bán cho khách hàng. Mỗi năm gia đình anh thu về từ 120 - 150 triệu đồng tiền lãi, đồng thời giải quyết việc làm cho 5 -7 lao động thời vụ. Nhờ nguồn thu nhập đó, đời sống của gia đình anh dần dần được cải thiện và vươn lên thoát nghèo. Tích lũy được kinh nghiệm, những vụ sau, tình hình đã được cải thiện và ngày càng cho thấy tính hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thêm nhà lạnh để trồng nấm trái vụ để đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường.
Ông Đào Nguyên Linh - Chủ tịch UBND xã Cổ Am cho biết: "Hiện nay, gia đình anh Vịnh đã thành công với mô hình trồng nấm theo kết quả đạt được. Chúng tôi thấy đây là mô hình cần được nhân rộng. Trong thời gian tới, sau khi dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, các hộ có diện tích và mặt bằng sẽ có điều kiện phát huy các mô hình sản xuất nói chung và đặc biệt là mô hình trồng nấm nói riêng trên địa bàn xã”.
Mô hình trồng của gia đình anh Vịnh đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, giải quyết, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Theo Thu Thủy – Phạm Ngân /danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã