Nuôi lươn không bùn bằng thức ăn công nghiệp
Trước đây, nông dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thường nuôi lươn trong bể bạt, bên trong thường được người dân sử dụng đất hay thân cây bắp để nuôi lươn.
Tuy nhiên, phương thức thả nuôi lươn này qua thời gian đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: lươn giống mua từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng con giống không được kiểm soát; môi trường chăn nuôi lươn không đảm bảo, dịch bệnh thường xảy ra nên tỷ lệ sống của lươn chưa cao.
Thức ăn chủ yếu của lươn nuôi được người dân cho lươn ăn hàng ngày là cá, ốc được xay nhuyễn, khi gặp môi trường nước rất dễ tan, gây ra tình trạng lãng phí thức ăn.
Nhận thấy những khuyết điểm trên, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), anh Lâm Văn Đoàn Xuân đã xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt với mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiêp.
Áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao, anh Lâm Văn Đoàn Xuân tiến hành xây dựng bể nuôi bằng xi-măng với diện tích 20m2/bể, bên trong lót bạt.
Trên diện tích đó, anh thả 4.000 con lươn giống. Toàn bộ con lươn giống được anh mua tại Trung tâm Giống An Giang thông qua Hội Nông dân huyện Phú Tân giới thiệu, giá mỗi con lươn giống là 8.000 đồng.
Với mô hình này, anh Xuân không sử dụng bùn mà treo giá thể để làm nơi cho lươn trú ẩn trong thời điểm thời tiết nắng nóng và lạnh. Khác với cách nuôi truyền thống, sử dụng thức ăn tự nhiên, phương pháp nuôi của anh Xuân sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp.
Theo anh Xuân, sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ giúp lươn khỏe mạnh, phát triển đồng đều. Ngoài ra, còn chủ động được nguồn thức ăn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc nuôi lươn với mật độ dày cần chú ý đến nguồn nước.
Nguồn nước nuôi lươn cần phải thay thường xuyên để đảm bảo môi trường nuôi luôn sạch sẽ, hạn chế tối đa dịch bệnh gây hại cho lươn. Do vậy, người nuôi lươn cần phải chú ý thay nước thường xuyên, bình quân 2 lần/ngày.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi lươn, anh Xuân còn sử dụng công nghệ tạo ô-xy, giúp lươn sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tình trạng lươn bị chết do thiếu dưỡng khí.
“Mặc dù nuôi lươn với mật độ cao nhưng lươn vẫn phát triển bình thường. Đặc biệt khi trời lạnh, lươn có thể sưởi ấm cho nhau” - anh Xuân chia sẻ.
Nuôi lươn công nghiệp-Hiệu quả kinh tế cao
Trước đây, gia đình anh Lâm Văn Đoàn Xuân nuôi cá tra và làm ruộng. Nhận thấy các mô hình này đầu ra bấp bênh, lại thường xuyên rớt giá…nên anh được Hội Nông dân xã Phú Bình và Hội Nông dân huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) vận động tham gia mô hình nuôi lươn công nghệ cao.
Sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi lươn không bùn trong bể ló bạt ứng dụng công nghệ cao.
Từ 2 bể nuôi lươn ban đầu, hiện nay anh Xuân tăng lên 7 bể nuôi lươn thương phẩm, tổng số lươn là 16.000 con. Trong đó, lươn lớn 10 tháng đạt trọng lượng 500gr/con chờ xuất bán, số còn lại trọng lượng 200gr/con.
Anh Xuân cho biết, với 1 bể lươn diện tích 20m2 nuôi khoảng 4.000 con thu hoạch được 810kg, trừ chi phí còn lời 80 triệu đồng, so với cách nuôi lươn cũ hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần.
Mô hình nuôi lươn công nghệ cao trong bể lót bạt của anh Lâm Văn Đoàn Xuân là hướng đi mới cho nông dân xã Phú Bình nói riêng và huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) nói chung.
Việc áp dụng nuôi lươn theo hướng công nghệ cao sẽ góp phần đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm lươn nuôi sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Nuôi lươn công nghệ cao còn giảm thải ô nhiễm môi trường, tạo hướng đi mới cho nông dân, từ đó thay đổi dần tập quán nuôi lươn theo truyền thống.
Không chỉ nuôi lươn mà hiện nay anh Lâm Văn Đoàn Xuân, xã Phú Bình, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) còn phát triển thêm mô hình nuôi cá nàng hai (số lượng 6 mùng) và 2 mùng cá lóc, mỗi mùng diện tích khoảng 60m2.
Từ các mô hình chăn nuôi, trong đó nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt ứng dụng công nghệ cao đã đem lại thu nhập cho gia đình anh trên 1 tỷ đồng/năm.
“Trước đây, gia đình tôi phát triển song song mô hình trồng lúa kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, do chăn nuôi đòi hỏi nhiều thời gian và công chăm sóc nên tôi tập trung cho chăn nuôi, trong đó có nuôi lươn công nghệ cao, đất ruộng gia đình tôi cho thuê” - anh Lâm Văn Đoàn Xuân, xã Phú Bình, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã