Ở vùng nuôi tôm bạt ngàn bên sông Mỹ Thanh nằm kề Biển Đông, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, huyện Sóc Trăng, một trang trại nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa nổi lên với cách thức đầu tư hoàn toàn mới, qui mô lớn, hiện đại.
Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Clearnfood) là một trong những doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng. Qua 15 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu, công ty đã chuyển tiếp sang giai đoạn đầu tư mạnh vào lĩnh vực nuôi thủy sản, xây dựng trang trại nuôi tôm hoàn chỉnh trên diện tích trải rộng 140 ha.
Năm 2020 trại tôm của Vina Clearnfood bước vào năm thứ 2 hoạt động nối vụ liên tục, thả nuôi tôm 3 vụ/năm. Đến trang trại, từ ngoài cổng đi thẳng theo con đường chính dẫn vào khu vực ao nuôi là cả một không gian rộng lớn, môi trường trong lành, thoáng đãng. Tất cả hệ thống ao nuôi được áp dụng vệ sinh, phòng dịch nghiêm ngặt. Công nhân làm việc trang phục đồ bảo hộ lao động và khi khách đến tham quan ra vào khu vực nuôi tôm cũng phải sát trùng phòng dịch theo qui định.
Bên trái con đường chạy dài gần 1 km vào khu vực trại nuôi được thiết kế xây dựng hệ thống ao lắng lọc, nuôi nước liên hoàn. Mỗi ao xử lý nước trong vắt nhìn sâu tới đáy, phẳng lặng. Còn phía bên phải là khu dành cho gần 240 ao nuôi tôm được xây trên mặt đất theo dạng ao nổi. Mỗi ao hình tròn, diện tích 1.400 m2 được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ, lót bạt đáy, xếp thành dãy liên kết, nối mạch liên thông hệ thống điện, đường ống cấp - thoát nước. Phía trên hệ thống ao nuôi nổi được lắp dàn lưới che nắng phủ khắp toàn bộ khu vực.
Các kỹ sư thủy sản làm việc tại trại cho biết, môi trường tôm nuôi đảm bảo từ nguồn nước cấp xử lý nước ao lắng, lọc sạch trước khi đưa vào các ao nuôi tuần hoàn nước. Khâu tôm giống kiểm soát chất lượng sạch bệnh trước khi đưa vào các ao tròn ương nuôi. Qui trình nuôi tôm được các kỹ sư tại trại nuôi thiết lập trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện sinh học. Kiểm tra chặt chẽ thức ăn thủy sản và chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh. Tại trại nuôi có đầu tư nhà xưởng chuyên chế biến men vi sinh, 6.000-8.000 lít/ngày.
Kết quả năm 2020, năm thứ 2 Vina Clearnfood nuôi tôm thẻ 3 vụ/năm. Năng suất 1 ha mặt nước ao nuôi đạt 12 tấn/vụ. Đến cuối tháng 10/2020 trại nuôi của công ty tổng thu trên 2.000 tấn tôm. Theo mục tiêu dự kiến năm 2021 trại nuôi sẽ phát huy năng suất cao nhất, khoảng 3.500 tấn. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (chứng nhận tôm xuất vào EU).
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina Clearnfood, cho rằng: Với suất đầu tư mỗi ao nổi hàng trăm triệu đồng, DN mạnh dạn đầu tư trên 350 tỷ đồng để hình thành vùng nuôi chuẩn mực, ứng dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo kiểm soát thật tốt từng khâu, từng giai đoạn suốt quá trình nuôi để sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông, đây là mô hình nuôi tôm công nghệ mới được đúc kết từ những kinh nghiệm chắt lọc theo qui trình nuôi tôm tiên tiến đã được kiểm chứng thành công của một công ty chuyên ngành thủy sản hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, thông qua kết quả chuyển giao kỹ thuật của các viện, trường, các cuộc hội thảo do Tổng cục Thủy sản tổ chức, nhóm kỹ sư thủy sản của Vina Clearnfood có cải tiến, bổ sung thêm một số biện pháp kỹ thuật cho phù hợp vùng nuôi tôm ven biển tỉnh Sóc Trăng.
Ông Phục tự tin cho rằng: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có thể nói là bước chuyển lớn lần thứ 2, sau khi sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu vượt trội về trình độ và công nghệ chế biến so với các nước sản xuất cùng ngành hàng.
Trong khi các DN trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản cho rằng: Đầu tư vào nông nghiệp là một lĩnh vực khó. Ông Phục thừa nhận nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ mới càng khó hơn và thử thách bản lĩnh của doanh nhân quyết tâm đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.
Ông Phục nói: Thật ra giữa hoạt động của nghề nuôi tôm và chế biến thủy sản xuất khẩu có mối liên quan chặt chẽ. Trước đây Vina Clearnfood đã thực nghiệm nuôi tôm với qui mô nhỏ thành công. Về sau này, yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu tôm có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, công ty bắt tay đầu tư mở rộng quy mô vùng nuôi. Tuy vậy, trong cộng đồng nuôi tôm cả vùng ĐBSCL hàng trăm ngàn ha, các DN đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng áp dụng công nghệ mới không có nhiều. Riêng vùng nuôi của Vina Clearnfood chỉ đáp ứng 30% nguyên liệu so với công suất chế biến của nhà máy.
Tỉnh Sóc Trăng có vùng nuôi tôm nước lợ gần 55.000 ha. Trong 3 năm qua, mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ở Sóc Trăng chiếm khoảng 30% tổng diện tích. Nhờ tăng năng suất, sản lượng tôm thu hoạch nâng lên gấp 2-3 lần. "Mô hình nuôi tôm công nghệ cao không cần diện tích đất lớn, hộ nuôi quy mô 1-2 ha đất vẫn áp dụng được. Từ kinh nghiệm của Vina Clearnfood, chúng tôi sẵn sàng yểm trợ kỹ thuật với các HTX và hộ nuôi tôm”.
"Tuy vậy, trong số các DN còn do dự, dù muốn đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản lượng lớn tôm sạch nhưng gặp trở ngại lớn nhất là đất đai. Một vùng nuôi tôm đủ lớn để DN đầu tư quy mô công nghiệp cần tới vài trăm ha. Song, chính sách hạn điền giới hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 30 ha/hộ. Trong khi đó, DN khó mua đất, tích tụ ruộng đất và nếu thỏa thuận chuyển nhượng được diện tích lớn, DN phải "hiến" cho nhà nước và sau đó xin thuê lại. Vì không có chủ quyền sử dụng đất nên dẫn tới DN khó thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc vay được với hạn mức thấp và không thể chuyển nhượng được”, người điều hành Vina Clearnfood, giãi bày quanh chuyện lực cản.
Dù sao bước chuyển mới ở vùng tôm sẽ không chỉ có Vina Clearnfood. Cánh cửa sẽ mở rộng để nhiều DN phát huy nguồn lực, cùng phát triển ngành hàng tôm Việt Nam vươn tầm thế giới.
Theo Hữu Đức - Trọng Linh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/vina-clearnfood-dau-tu-manh-vao-nuoi-tom-cong-nghe-cao-d276811.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã