Thời gian qua, với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ biển và xem phát triển kinh tế biển là động lực để bứt phá, phát triển kinh tế, huyện Bình Đại đã và đang thực hiện nhiều đột phá thu hút đầu tư, áp dụng quy trình đánh bắt hiện đại, nâng công suất tàu đánh bắt theo hướng xa bờ, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Đến nay, toàn huyện hiện có 1.206 tàu đánh bắt thủy sản, với tổng công suất 618.921 mã lực. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 605 chiếc. Từ đầu năm 2020 đến nay, đoàn tàu của huyện đã đánh bắt được sản lượng ước đạt trên 53.200 tấn, tăng 3,8% so với cùng kì năm 2019. Huyện cũng đã thành lập được 38 tổ đội liên kết đánh bắt trên biển, với sự tham gia của 501 tàu cá và 175 ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển. Đặc biệt, đã có khoảng 484 tàu đánh bắt xa bờ của huyện gắn thiết bị giám sát hành trình gồm máy VX-1700 và máy Movimar.
Bình Đại tăng cường củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển. (Ảnh: Thanh Hương)
Bên cạnh đó, nuôi thủy sản cũng được tập trung quản lý, phát triển theo quy hoạch, tổng diện tích thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 14.851ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 37.200 tấn, so với cùng kì tăng 14,12%, trong đó, diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh với hơn 3.462ha, đến nay đã thu hoạch được trên 1.352ha, sản lượng thu hoạch trên 8.340 tấn, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.
Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biển và đưa huyện trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển từ nay đến cuối năm 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Bình Đại tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao và bền vững, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học, quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 1.500ha tập trung tại các xã: Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức và một phần ấp 5, ấp 6 xã Bình Thắng. Phát triển mạnh mô hình nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường, ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã số, mã vạch các sản phẩm nuôi, vùng nuôi, phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng, tiêu thụ, thành lập các tổ hợp tác, HTX trong nuôi trồng thủy sản. Phát triển các mô hình nuôi xen, nuôi kết hợp ứng dụng nuôi một số loài cá nước ngọt để chuyển đổi đối tượng nuôi trong vùng ngọt hóa. Tiếp tục thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện gió.
Bình Đại tập trung mở rộng quy mô nuôi tôm theo công nghệ cao. (Ảnh: thanh Hương)
Đồng thời, huyện Bình Đại tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, điện, vốn,... hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi để phục vụ nuôi thủy sản và nâng cao trách nhiệm của người dân đảm bảo môi trường nước an toàn, không gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, thu hút đầu tư sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, khỏe mạnh, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghê nuôi mới, gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản, công tác khoa học, công nghệ, khuyến ngư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Sắp xếp lại đội tàu theo hướng không tăng thêm số lượng tàu, giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác đánh bắt ven bờ, giảm nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, môi trường. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá mức tổn thất sản phẩm sau khai thác trong chuỗi hoạt động từ đánh bắt đến phân phối tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển như: tổ, đội, hợp tác xã, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao đời sống người dân và giữ gìn an ninh biên giới biển. Tích cực tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến đến chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, nhất là tình trạng đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã