Mô hình nuôi nhốt trâu vỗ béo của gia đình chị Triệu Thị Liều, thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành
Từng trải qua nhiều công việc để mưu sinh, từ làm nương rẫy, làm ruộng và cả đi làm thuê, thế nhưng chỉ khi chuyển sang nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo thì gia đình chị Triệu Thị Liều ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành mới có những đổi khác. Từ một hộ nghèo ở thôn, năm 2019 gia đình chị Liều đã chính thức được công nhận thoát nghèo. Theo chị Liều, trước đây gia đình cũng đã từng nuôi 1 - 2 con trâu, bò nhưng chỉ là thả rông. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình bắt đầu trồng cỏ voi và nuôi nhốt vỗ béo cho trâu, bò. Tối đa là 5 tháng, gia đình chị sẽ xuất bán được một lứa trâu. Ưu điểm nhất của nuôi nhốt, vỗ béo là cho lợi nhuận nhanh chóng. Ngoài ra, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn nên việc chăn nhốt cũng mất ít công sức và thời gian hơn.
Theo chị Liều, việc nuôi nhốt trâu bò cho hiệu quả cao hơn thả rông, do thả rông chỉ ăn no thôi nhưng gia súc chậm béo và thiếu chất dinh dưỡng, trong khi cỏ voi ở đây nhiều chất dinh dưỡng và còn bổ sung thêm các loại tinh bột; nuôi trâu bò vỗ béo, bà con ở đây cũng không lo về đầu ra.
Thôn Nà Kèn có 25 hộ dân thì đến nay đã có 10 hộ thực hiện mô hình nuôi nhốt trâu, bò để vỗ béo. Nhà ít nuôi 3 đến 4 con nhưng cũng có nhà nuôi nhiều đến hơn 10 con. Toàn thôn Nà Kèn hiện có hơn 30 ha cỏ voi, đây là điều kiện lý tưởng để phục vụ cho đàn gia súc của thôn. Theo người dân, trung bình 1 con trâu được nuôi nhốt trong mỗi tháng có thể cho thu nhập 1 triệu đồng. Với thu nhập như vậy, cũng đã và đang góp phần vào việc giảm nghèo ở địa phương.
Khác với Nà Kèn, thôn Kim Vân trước đây được coi là điểm nóng nhất về tình trạng khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Tuy nhiên, đến Kim Vân những ngày này đã có nhiều đổi khác. Thay thế sự ồn ào của những tổ đội khai thác vàng trái phép, giờ đây bà con tập trung chăn nuôi, sản xuất. Ngoài 13 ha cấy lúa hằng năm, các hộ dân ở đây đã tập trung chăn nuôi đại gia súc. Cả thôn hiện nay có trên 100 con trâu, bò. Không trông chờ vào thu nhập từ khai thác vàng trái phép, bà con ở thôn Kim Vân đã từng bước ổn định cuộc sống.
Ông Đinh Duy Hướng, Trưởng thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì chia sẻ: Giờ đây, các hộ dân đều tập trung chăn nuôi, phát triển nông lâm nghiệp, không còn ai đi làm vàng trái phép nữa, thôn vẫn còn hộ nghèo nhưng tin rằng bà con sẽ sớm thoát nghèo dần bền vững hơn.
Có thể thấy, liên tiếp trong những năm trở lại đây, tổng đàn gia súc của huyện Na Rì luôn duy trì ở mức đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hiện nay, huyện đang có hơn 20.000 gia súc, trong đó đàn trâu, bò có hơn 8.000 con. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc phát triển đàn gia súc ở Na Rì gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tận dụng lợi thế của đồng cỏ, hiện nay việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò đã nhân rộng ra 05 xã trong toàn huyện, với khoảng 134 ha trồng cỏ voi làm thức ăn, phục vụ việc nuôi nhốt; riêng Hợp tác xã Sơn Thành đã có hơn 30 ha cỏ voi.
Ông Phạm Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Đây cũng là một lợi thế rất lớn không những của huyện Na Rì và của cả các huyện vùng cao khác. Nhận định được lợi thế đó, huyện đã tập trung vận động, tuyên truyền Nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi, hướng dẫn người dân trồng cỏ, lựa chọn những loại cỏ có chất lượng dinh dưỡng tốt nhất. Việc nuôi nhốt không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn thay đổi tư duy, thói quen chăn thả của người dân.
Nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo không phải là cách làm mới. Tuy nhiên, việc được triển khai ở nhiều thôn, bản của huyện Na Rì đã cho thấy, đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện rõ tư duy đổi mới trong sản xuất hàng hóa gắn với thị trường của người nông dân nơi đây./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã