Mô hình nuôi gà thả vườn của hộ anh Bùi Văn Tuấn.
Có lợi thế về diện tích vườn, đồi, có sức khỏe và quen với công việc đồng áng, anh Tuấn tham gia nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp. Mô hình nào anh cũng có sự đầu tư, tính toán cẩn thận, dành tâm huyết, nên đều mang lại kết quả tốt. Trong đó, nhiều mô hình anh làm mang tính “đi trước đón đầu”, làm điểm..
Thời điểm hiện nay, “cơ ngơi” của anh Tuấn là 4.000 con gà Tiên Yên, vườn dược liệu với sản lượng gần 1 tấn khô/năm, vườn ươm cây keo giống với năng suất trên 70.000 cây/năm và 3 ha rừng keo đang vào giai đoạn phát triển mạnh. Tổng thu nhập từ các mô hình trên mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 60%. Năm 2020, theo tính toán của anh Tuấn, tổng thu của gia đình khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận là khoảng 700 triệu đồng.
Hiện ngoài 40 tuổi, chưa ra khỏi "lũy tre làng", nhưng tư duy làm kinh tế của anh Tuấn khá hiện đại. Các mô hình kinh tế anh triển khai đều bắt đầu bằng việc chủ động tính toán, nắm bắt diễn biến, nhu cầu thị trường cũng như chương trình khuyến khích phát triển kinh tế của địa phương. Như mô hình trồng cây dược liệu, anh theo định hướng đề án “2 con, 1 cây” của huyện, trong đó cây là cây dược liệu; mô hình nuôi gà là giống gà quý bản địa cũng là vật nuôi chủ lực của huyện.
Anh Tuấn chia sẻ: Mô hình kinh tế nào cũng vậy, khi đã được chính quyền khuyến khích, xây dựng thành đề án, có lộ trình, mục tiêu phát triển… tức là đã được nghiên cứu tính khả thi cao. Khi nông dân tham gia mô hình luôn có sự đồng hành của chính quyền, chắc chắn vững vàng hơn.
Không đơn thuần làm kinh tế theo phong trào, cái hay của anh Tuấn chính là sự tính toán rất cẩn trọng và sáng tạo trong triển khai thực tế, tạo ra nét khác biệt cũng là ưu thế cạnh tranh của anh. Như với mô hình nuôi gà Tiên Yên, trong khi đại đa số các hộ nuôi chọn phương án số lượng, thì anh chú trọng chất lượng. Đàn gà của anh, thay vì nuôi 7 tháng như thông thường, anh nuôi trong 9 tháng; thay vì tăng thời gian nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp, anh tăng thời gian nuôi thả; thay vì chấp nhận bán bằng hoặc dưới giá sàn cho các thương lái để sớm tái đàn, anh nhất quyết bán với giá cao hơn… Tất nhiên, để làm được như vậy, anh Tuấn phải có vốn, luôn có một khoản gọi là vốn dự phòng, không để mình trong tình trạng ăn đong vốn, dẫn đến khi phát sinh khó khăn trở thành bị động, phụ thuộc.
Nhờ đó, sản phẩm của anh luôn được đánh giá cao, được khách hàng tin dùng, duy trì và phát triển được những khách “ruột” sẵn sàng chia sẻ với anh những khi thị trường bấp bênh. Thời điểm thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, trong khi đàn gà Tiên Yên khó tiêu thụ, thì đàn gà của anh Tuấn vẫn được các khách hàng đặt mua, hiện anh không còn sản phẩm để bán.
Vườn keo giống của anh Tuấn mỗi năm cung ứng cho bà con khoảng 70 vạn cây.
Anh Tuấn phân tích: Làm theo hướng đại trà, dễ ăn nhưng cũng dễ mất. Bởi một khi thị trường có biến động, số người tiêu dùng ít đi, sản phẩm đại trà chắc chắn không trong danh sách lựa chọn. Bởi vậy, sản phẩm đại trà có thể thừa, ế, thậm chỉ đổ bỏ, thì sản phẩm sản xuất với số lượng có hạn vẫn sẽ bán được, không lãi thì cũng giữ vốn hoặc tỷ lệ lỗ thấp.
Việt Hoa/quanninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã