Nông dân xã Lay Nưa, TX. Mường Lay vệ sinh khu vực chuồng nuôi.
Kể từ khi DTLCP xuất hiện lần đầu tại tỉnh ta (tháng 3/2019) đến hết ngày 6/6/2021 đã có 26.470 con lợn với tổng trọng lượng hơn 1.190.890kg bị buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn điêu đứng, tổng đàn lợn của cả tỉnh vì vậy cũng giảm khoảng 20% so với thời điểm trước khi có dịch, từ hơn 400.000 con xuống 320.000 con.
Tại trang trại chăn nuôi lợn Đức Tài, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên mặc dù bệnh DTLCP gây ảnh hưởng tới chăn nuôi lợn của các hộ dân xung quanh, song 60 lợn nái và đàn lợn đực ngoại của trang trại vẫn phát triển ổn định. Được biết, trang trại đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi ATSH dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu diệt côn trùng, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày. Đàn lợn được nuôi trên đệm lót sinh học, giúp giảm thiểu mùi hôi, tiết kiệm công vệ sinh chuồng trại, loại bỏ các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh… Chất thải chăn nuôi được tập trung đúng nơi quy định, xử lý sinh học để tạo thành các loại phân hữu cơ bón cây.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi Thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi ATSH là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho vật nuôi khỏe mạnh và không bị dịch bệnh... Khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH thì sức đề kháng của lợn với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn, lợn khỏe mạnh, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn. Thực tế hơn 2 năm qua, kể từ khi xảy ra bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, hầu hết cơ sở chăn nuôi ATSH đều không bị nhiễm bệnh dịch, đàn lợn phát triển ổn định. Bởi vậy, chăn nuôi ATSH là một trong những giải pháp hữu hiệu để đối phó với DTLCP trong thời điểm hiện tại. Về lâu dài còn giúp người chăn nuôi phòng ngừa nhiều loại bệnh dịch khác trên vật nuôi.
Gia đình anh Lò Văn Yên, xã Na Sang (huyện Mường Chà) hiện đang nuôi 8 con lợn thương phẩm. Tuy nhiên chuồng trại được xây dựng khá đơn giản, tận dụng khoảng đất trống ngay cạnh nhà. Theo anh Yên, dù biết chăn nuôi ATSH mang lại nhiều lợi ích, nhưng phải đầu tư lại từ đầu: chuyển địa điểm nuôi, xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải… vì không có vốn nên gia đình vẫn duy trì kiểu chăn nuôi truyền thống. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, anh Yên vẫn thực hiện phun khử trùng thường xuyên, không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi, nhưng việc ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc thì anh chưa thực hiện được vì lúc nhớ lúc không.
Trên địa bàn tỉnh ta, ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc nuôi lợn theo hướng ATSH hầu hết khó áp dụng, nếu có cũng chỉ là thực hiện nửa vời, “nhớ đâu làm đó” không có tính đồng bộ.
Chăn nuôi theo hướng ATSH không đòi hỏi khắt khe như tiêu chuẩn VietGAP, nhưng áp dụng mô hình ATSH trong chăn nuôi, người dân phải đảm bảo yêu cầu có tính đồng bộ. Đặc biệt là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư; hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Ngoài ra, chi phí cho chăn nuôi ATSH cao hơn 10% so với chăn nuôi truyền thống.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 60.220 hộ chăn nuôi lợn quy mô 1 - 30 con; 2 cơ sở quy mô 100 - 300 con; 3 cơ sở quy mô từ 300 - 3.000 con. Việc áp dụng phương thức chăn nuôi ATSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở các trang trại quy mô vừa và lớn. Còn lại hầu hết hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chuồng trại xây dựng không theo mẫu, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật. Đa phần người dân còn lơ là về bố trí khu vực nuôi cách ly con giống, yêu cầu về cự ly với chuồng trại chính... do thói quen nuôi theo kinh nghiệm nên khi bị “khép” vào những quy định bắt buộc thì lúng túng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không có điều kiện để xác định sản phẩm sạch hay không sạch nên đã đổ đồng giá mua làm cho người chăn nuôi theo hướng ATSH gặp khó khi sản xuất theo tiêu chuẩn chi phí tăng cao hơn chăn nuôi truyền thống. Do đó cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có chăn nuôi ATSH.
Bài, ảnh: Thu Hằng
Nguồn tin: snnptnt.dienbien.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;