Là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển, toàn huyện Hữu Lũng hiện có 1 trang trại và hơn 60 gia trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng trại khép kín áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh với tổng số 650.000 con. Thống kê của UBND huyện, từ năm 2018 đến nay, chăn nuôi gà theo mô hình gia trại khép kín với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con phát triển mạnh. Ngoài một trang trại tại xã Đồng Tân, mô hình này phát triển chủ yếu tại các xã: Đồng Tiến, Vân Nham, Thiện Tân, Yên Bình…; đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, hộ nuôi thu nhập thấp cũng được khoảng 100 triệu đồng/năm. Điển hình là trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Đình Vũ, xã Đồng Tân trên diện tích hơn 1 ha. Ông Vũ cho biết, trước đây, gia đình cũng thực hiện chăn nuôi gà thả đồi, tuy vậy, gà bị một số loại bệnh, do đó, chất lượng gà thương phẩm không cao. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ năm 2017, gia đình quyết định đầu tư xây dựng trang trại với tổng mức đầu tư gần 1,8 tỷ đồng trên diện tích hơn 1 ha nuôi trên 30.000 con gà, mỗi lứa xuất chuồng (khoảng 3 tháng) được trên 5 tấn gà thương phẩm, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi gà thả đồi với số lượng nhỏ nhưng tại thời điểm này, tư duy trong chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà của các hộ trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi rõ, cơ bản các hộ chăn nuôi đều đảm bảo đầy đủ các điều kiện nuôi như: Cơ sở vật chất, chuồng nuôi, máng ăn, nước uống, thuốc thú y, đèn sưởi…; Kết hợp với chăm sóc, nuôi dưỡng, thức ăn đảm bảo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà. Vì thế, mặc dù trên địa bàn huyện có tổng đàn gà khá lớn nhưng trong mấy năm qua đều không xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm.
Một trại gia cầm độc, lạ tại Lạng Sơn, gà được nuôi riêng từng chuồng, có 2 hoặc 3 tầng để gà ở - Ảnh: Hồng Vân
Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp An Hồng, xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, nhưng hiện nay đã trở thành một trong những mô hình điểm về chăn nuôi của tỉnh. Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trang trại xây dựng trên diện tích hơn 13.000 m2 và được đầu tư bài bản với các hạng mục chăn nuôi khép kín. Cùng đó, Hợp tác xã chú trọng đến khâu lựa chọn giống, thức ăn ở những đơn vị cung ứng uy tín hàng đầu trong cả nước. Các công ty cung ứng trong quá trình cung cấp giống, thức ăn… còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi đến bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, Hợp tác xã không phải lo về dịch bệnh hay đầu ra cho sản phẩm. Với cách làm đó, thời gian qua mặc dù Dịch tả heo châu Phi khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh giảm, nhưng đối với Hợp tác xã đến thời điểm này vẫn luôn duy trì nuôi hơn 1.500 heo lái và heo thương phẩm.
Ngày 18/3/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai theo hướng an toàn sinh học tại xã khó khăn và biên giới” (thực hiện từ tháng 6 - 12/2020) do Trung tâm Ứng dụng, Phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường Chất lượng sản phẩm là cơ quan chủ trì. Dự án đã tiến hành lựa chọn 40 hộ gia đình nông dân chăn nuôi gà tại 5 xã khó khăn, xã biên giới gồm: Xã Thanh Lòa, Thạch Đạn (Cao Lộc), Vĩnh Yên (Bình Gia), Tú Mịch (Lộc Bình), Hữu Lễ (Văn Quan) để xây dựng 40 mô hình chăn nuôi gà ri lai (giống gà ri vàng rơm 1/2), có quy mô chăn nuôi gia trại, áp dụng hình thức chăn nuôi bán chăn thả và quy trình chăn nuôi an toàn sử dụng đệm lót sinh học từ mùn cưa và trấu. Quá trình nuôi cho thấy, trong cùng một điều kiện chăn nuôi, mùa vụ chăn nuôi và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng thì việc chăn nuôi gà ri lai trên nền đệm lót sinh học có tỷ lệ nuôi sống, khối lượng và chất lượng thịt đều tăng, tỷ lệ sống đạt 86,61%. Sử dụng phương pháp chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học giúp đàn gà phát triển tốt, hạn chế xuất hiện bệnh gia cầm trên gà, giảm được chi phí chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân so với phương pháp truyền thống.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có 22 trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi với quy mô lớn, các trang trại chăn nuôi đều ứng dụng công nghệ tiên tiến và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đến nay đều hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã Lùng Khoang, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan với quy mô khoảng 1.500 heo nái sinh sản và hơn 2.500 heo con thương phẩm; Một số trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, gà đẻ trứng tại các huyện như: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn với quy mô 3.000 - 20.000 con/lứa; Trang trại chăn nuôi thỏ sinh sản, thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng với quy mô 3.000 con/lứa…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện Hữu Lũng đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà cho người dân. Từ năm 2019 đến nay, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức được trên 50 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm… cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Thời gian tới, UBND huyện Hữu Lũng tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuyên truyền bà con áp dụng phương pháp chăn nuôi gà an toàn sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
>> Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho rằng, để ngành chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định và bền vững, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học và tiến tới công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |
Theo Hải Lý/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã