Từ tiềm năng sẵn có
Cây dong riềng và cây gừng là hai cây trồng hàng hóa, cho giá trị sản xuất cao tại tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, cây dong riềng được trồng lâu đời, là cây hàng hóa chiến lược trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Củ dong được dùng làm hàng hóa nguyên liệu để sản xuất ra miến dong. Đây là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh được nhiều người trong nước và nước ngoài đánh giá cao về chất lượng. Còn đối với cây gừng là cây trồng được thương mại hóa từ năm 1993, cây trồng này đã đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống (lúa, ngô…) kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, sản phẩm từ hai cây trồng này hiện chiếm thị phần rất nhỏ tại các thị trường ngoài tỉnh và đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm cùng loại khác. Đối với sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được bảo hộ nhưng hệ thống nhận diện, khai thác nhãn hiệu trên thị trường chưa được đầy đủ. Trong khâu sản xuất còn gặp một số hạn chế trong việc cam kết hợp đồng giữa người nông dân và chủ sơ sở sản xuất tinh bột và miến dong dẫn đến giá bán nguyên liệu không ổn định, cùng với tình trạng được mùa mất giá kéo theo sự biến động lớn về diện tích trong thời gian qua. Năm 2018, diện tích trồng dong riềng của toàn tỉnh là 1.040 ha; năm 2019, 2020 giảm còn 500 ha. Bên cạnh đó, khâu xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Còn sản xuất cây gừng cũng bộc lộ nhiều khó khăn và nguy cơ dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Hiện nay, quá trình liên kết giữa các nhóm hộ và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Cây gừng được trồng với quy mô lớn, tập trung, nhất là tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới nhưng đã xuất hiện dịch bệnh làm giảm năng suất và chất lượng. Việc bán sản phẩm gừng hiện nay chủ yếu ở dạng nguyên liệu tươi nên giá trị chưa cao.
Phát triển chuỗi giá trị
Từ thực trạng trên, UBND tỉnh đã xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng và gừng giai đoạn 2021-2023, với mục tiêu xây dựng các mối liên kết để phát triển chuỗi giá trị cây gừng, dong riềng Bắc Kạn trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định, lâu dài với quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu gắn với tổ chức quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở đầu tư khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến quy trình công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường, được người dân tin dùng, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.
Tỉnh phấn đấu hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dong riềng một cách hiệu quả, bền vững nhằm phát triển vùng nguyên liệu ổn định từ 500 đến 600 ha, từ nay đến năm 2023 tăng dần lên 800 ha vào năm 2025. Trong đó, diện tích tập trung tại các vùng sản xuất trọng điểm là các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông và các vùng đệm, đủ đáp ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm tinh bột, sản phẩm miến dong phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với việc quy hoạch, phát triển vùng trồng dong nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến sẽ tạo đà cho sản phẩm phát triển bền vững.
Chuỗi giá trị dong riềng hướng tới mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu gắn với tổ chức quản lý sản xuất, |
Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường năng lực quản lý và tổ chức hoạt động cho các hợp tác xã chế biến tinh bột, sản xuất miến dong; xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ trong sản xuất dong riềng. Thay đổi tập quán canh tác, thói quen trong sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao năng suất, sản lượng củ bình quân đạt từ 73 - 75 tấn/ha và nâng cao tỷ lệ thu hồi tinh bột từ 14 - 16% như hiện nay lên 17- 18%/tấn củ vào năm 2025.
Tỉnh cũng sẽ thực hiện chuỗi giá trị nhằm bảo vệ, duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và quản lý chất lượng sản phẩm tinh bột và miến dong Bắc Kạn. Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP từ cây dong riềng từ 3 sao lên 4 - 5 sao vào năm 2025, đồng thời gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm miến dong của tỉnh và các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu thị trường. Phát triển các vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Song song với đó là tăng cường xử lý chất thải tại các cơ sở chế biến, bảo vệ môi trường trong chế biến tinh bột, miến dong.
Các cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong hiện có tiếp tục được duy trì, được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi. Giai đoạn 2021-2023, đầu tư mới và nâng cấp năng lực cho 05 cơ sở, đảm bảo tiêu thụ 70 - 80% sản lượng củ dong riềng của địa phương.
Cùng với đó, một nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt quan tâm là tăng cường các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ và điểm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Cây gừng tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới |
Còn đối với sản phẩm gừng, tỉnh phấn đấu phát triển tập trung và ổn định diện tích từ 300 - 500 ha gừng trên toàn tỉnh Bắc Kạn. Từ số diện tích này, các địa phương tổ chức và quản lý sản xuất gừng hiệu quả thông qua việc thành lập mới khoảng 20 nhóm và củng cố 17 nhóm sở thích trồng gừng trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị gừng tỉnh Bắc Kạn được tăng cường năng lực sản xuất và kinh doanh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn.
Tỉnh cũng thử nghiệm mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong xử lý đất, giống mới, thâm canh, chăm sóc, nhằm nâng cao năng suất, giảm sâu bệnh trên cây gừng. Theo đó, sẽ thực hiện 6 mô hình, mỗi mô hình 1.000 m2 triển khai tại 3 huyện Na Rì, Chợ Mới, Pác Nặm.
Để thực hiện chuỗi giá trị gừng, tỉnh tập trung nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến gừng tại địa phương (chế biến tinh dầu gừng, trà thảo dược cumin gừng; mứt gừng, gừng muối thái lát...). Thúc đẩy các hình thức liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu trên 50% trở lên sản phẩm gừng được tiêu thụ qua hợp đồng. Đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm gừng tỉnh Bắc Kạn. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gừng tỉnh Bắc Kạn, giúp sản phẩm gừng Bắc Kạn tham gia Chương trình OCOP và đạt từ 3 sao trở lên trong năm 2022.
Việc phát triển chuỗi giá trị bền vững đối với cây dong riềng và cây gừng nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Cùng với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp, đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương trong giai đoạn hiện nay./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã