Ông Hùng chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông chỉ có hơn 3 sào ruộng, nguồn thu nhập cả năm chỉ trông chờ vào trồng ngô, trồng lúa, hiệu quả kinh tế thấp nên đời sống gặp không ít khó khăn. Những năm tiếp theo, khi 2 đứa con lần lượt ra đời, chi phí ăn uống, học hành cũng tốn kém hơn trong khi nghề làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Nhiều đêm liền ông Hùng không ngủ được vì trăn trở suy nghĩ làm sao để kinh tế gia đình vươn lên, con cái được học hành đầy đủ, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Thậm chí, có lúc ông từng nghĩ sẽ đi làm ăn xa, nhưng rồi lại nghĩ gia đình cần có người làm trụ cột, con cái cần cả bố mẹ ở bên để bảo ban, chăm sóc, nuôi dưỡng, động viên học hành thì mới có thể “nên người”. Nghĩ vậy, ông quyết định phát triển kinh tế tại gia đình bằng chăn nuôi tổng hợp”.
Ông Lăng Văn Hùng vươn lên làm kinh tế giỏi nhờ chăn nuôi gia cầm
Thời điểm bắt đầu chăn nuôi là hơn chục năm về trước, nhận thấy nhu cầu của thị trường về gà ta thả vườn rất lớn, giá cả cao, ông Hùng bàn với vợ mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân trong gia đình đầu tư cải tạo, chuyển đổi diện tích đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang chăn nuôi gà. Lứa đầu tiên, ông nuôi thử nghiệm 1000 gà ta lai giống đỏ theo hình thức thả vườn. Thế nhưng khi gà gần đến tuổi xuất bán thì bị dịch bệnh, viêm ruột chết gần hết cả chuồng gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Vậy là bao nhiêu vốn liếng, mồ hôi thậm chí cả nước mắt của những ngày ròng rã có lúc “quên ăn, quên ngủ” để chăm sóc đàn gà đã “đổ xuống sông, xuống biển”. Xót xa, buồn tủi và áp lực khi tiền lãi ngân hàng nhiều thêm từng ngày nhưng ông không nản chí với suy nghĩ “ngã ở đâu đứng lên ở đó”. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, gia đình, vợ chồng ông Hùng tiếp tục đầu tư chăn nuôi lứa gà tiếp theo. Rút kinh nghiệm từ thất bại của lứa gà trước, ông dành thời gian đọc, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà; nhờ tư vấn của bác sỹ thú y để tiêm, phòng dịch cho gà đầy đủ. Ông cũng nghiên cứu, thiết kế xây dựng chuồng, sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên phun khử trùng, tiêu độc, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài thức ăn công nghiệp, ông còn tận dụng ngô, lúa và rau xanh của gia đình tự trồng để bổ sung cho gà. Những lứa gà tiếp theo sinh trường và phát triển tốt, chất lượng thịt chắc, thơm ngon nên bán được giá cao, tạo uy tín với nhiều thương lái. Cùng với chăn nuôi gà, ông còn mở thêm diện tích chuồng chăn nuôi ngan và vịt thịt. Trung bình mỗi lứa, ông nuôi từ 2000 – 3000 gà và hơn 1000 ngan, vịt thịt.
Ông chia sẻ: “Nghề chăn nuôi nếu chỉ cần cù, chịu khó thôi chưa đủ mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan bởi “được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa". Có những lúc do tôi thiếu kinh nghiệm hoặc chủ quan khiến vật nuôi dịch bệnh chết hàng loạt; lại có những lúc dù đã chịu khó học hỏi, có kỹ thuật chăm sóc, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt nhưng giá cả thị trường không ổn định, bị thương lái ép giá nên thành ra cũng thua lỗ. Nhiều lần như vậy đã cho tôi kinh nghiệm là vừa phải tính toán, “nghe ngóng” thị trường để lựa chọn nuôi con gì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vừa phải có cách chăn nuôi để giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng”.
Ngoài chăn nuôi gia cầm tại gia đình, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu chăn nuôi ở địa phương ngày càng lớn, vợ chồng ông Hùng vừa tìm hiểu, nhập con giống gia cầm ở những địa chỉ uy tín vừa để nuôi vừa thành lập đại lý cung ứng gia cầm giống cho bà con trong vùng. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm và tính tình tốt bụng, cởi mở, nhiệt tình, ông Hùng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người bắt đầu chăn nuôi những kiến thức cơ bản về xây dựng chuồng trại, chăm sóc gia cầm sao cho hiệu quả, vì thế mà ông luôn được bà con trong vùng yêu quý, tin tưởng.
Nhờ cần cù, chịu khó và nghị lực vượt lên hoàn cảnh để xây dựng mô hình chăn nuôi và cung ứng giống gia cầm, trung bình mỗi năm gia đình ông Lăng Văn Hùng thu nhập 150 triệu đồng. Từ hộ gia đình khó khăn, đến nay gia đình ông Lăng Văn Hùng trở thành hộ phát triển kinh tế mạnh tiêu biểu ở địa phương.
Phương Loan/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã