Cao Hoàng Tú (sinh năm 1988) vốn sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, bố là thương binh, mẹ là con liệt sĩ, anh cả công tác trong ngành công an, anh thứ 2 làm trong ngành dược. Tú được gia đình cho theo học ngành kỹ sư nông nghiệp, khi ra trường từng giữ chức giám đốc kinh doanh của công ty chăn nuôi bò sữa với mức lương 20 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, chàng thanh niên này lại bén duyên với nông nghiệp, dám từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước về xã Trung An, huyện Củ Chi để vừa làm giàu cho bản thân vừa tính toán lợi ích cho bà con xã viên trong HTX do chính Tú lập ra.
Kể lại quá trình phát triển kinh tế, Tú cởi mở chia sẻ: Ban đầu, thấy mô hình lợn – trăn đem lại hiệu quả cao ở một số địa phương, với kinh nghiệm và số vốn tích lũy khi còn làm ở Công ty cùng kiến thức đào tạo bài bản chuyên ngành thú y, Tú quyết định thử thách bằng việc đầu tư xây dựng trang trại với quy mô 200 con lợn và 20 con trăn sinh sản.
Theo Tú, đây là mô hình mà Tú kỳ vọng sẽ là hướng đi phát triển kinh tế bền vững cho gia đình bởi trong những năm 2014 giá lợn liên tục lập đỉnh. Ngoài ra, thời điểm đó mỗi kg trăn lên đến gần 1 triệu đồng. Tú tính tận dụng những lợn con bị chết làm thức ăn cho trăn, chỉ cần đầu tư giống và chuồng trại, sau 1 năm mỗi con trăn đạt trọng lượng từ 20 kg trở lên đem lại nguồn thu nhập khá. “Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình tôi không dưới 300 triệu đồng”, Tú nói.
Thế nhưng từ năm 2016, dưới tác động của dịch heo tai xanh, giá heo liên tục tuột dốc, sau đó là dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin điều trị khiến vấn đề nuôi lợn của Tú và nhiều người dân địa phương trở nên khó khăn. Trong một lần tình cờ, bắt gặp mô hình nuôi thỏ ở Nghệ An, qua tìm hiểu thấy thỏ là vật dễ nuôi, ít công chăm sóc, thị trường thịt thỏ tại TP.HCM lại giàu tiềm năng. Tú quyết định tận dụng chuồng lợn sẵn có chuyển hướng sang chăn nuôi thỏ sạch.
Tú chia sẻ, để thành công với mô hình này, thời gian đầu Tú trải qua không ít lần khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm về chọn giống và kỹ thuật chăm sóc, từ đó thỏ chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều, có những lúc tưởng chừng đã chùn bước. Nhưng bằng niềm đam mê nông nghiệp, sức trẻ, Tú không nản lòng, với quyết tâm thất bại chỗ nào đứng lên chỗ đó, sau 4 năm lăn lộn với nghề nuôi thỏ, từ 50 thỏ giống ban đầu, hiện Tú đã sở hữu trang trại thỏ gần 2.000, trong đó thỏ sinh sản hơn 400 con, mỗi tháng đem lại thu nhập hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tú cởi mở, trong chăn nuôi thỏ, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Trong các loại giống thỏ hiện nay, thỏ New Zealand là loại giống tốt nhất bởi chúng thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương nhanh, vòng đời ngắn, dễ chăm sóc. Khoảng 1,5 tháng, thỏ mẹ đẻ 1 lứa, trung bình mỗi năm thỏ sinh sản 8 lứa, mỗi lứa 6-7 thỏ con. Một thỏ nái sinh sản khoảng 50 thỏ con mỗi năm và vòng đời khai thác kéo dài 2 - 2,5 năm. Thỏ con sau sinh, nuôi hơn 3 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3 kg/con và có thể xuất bán được nên khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh.
Nói về kỹ thuật nuôi thỏ, Tú lưu ý thêm, để thỏ phát triển tốt, người chăn nuôi phải cho thỏ ăn cám và thức ăn xanh (gồm các loại rau, củ quả) theo tỷ 7/3. Giống thỏ này khá mẫn cảm với thuốc BVTV, chính vì vậy, quá trình canh tác các loại rau, củ quả, để tạo nguồn thức ăn xanh cho thỏ, người nuôi tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với thỏ là từ 30 – 32 độ C, do đó, để đảm bảo biên độ nhiệt nằm trong mức cho phép, chuồng trại phải được làm cao ráo, mùa hè thì thoáng mát còn mùa đông thì phải ấm áp. Ngoài ra, người nuôi cần lắp đạt thêm nhiệt kế và thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh nhiệt độ chuồng thích hợp...
“Đổi lại, với ưu điểm có hàm lượng thịt nhiều, chất lượng thịt dai, ngon, nếu áp dụng đúng quy trình thỏ làm ra sẽ rất sạch nên thị trường ưa chuộng. Hiện rất nhiều đối tác đến từ các siêu thị thực phẩm sạch cho đến các chuỗi nhà hàng, quán ăn… tìm đến để thu mua sản phẩm. Mặc dù mỗi năm trang trại sản xuất ra hàng chục tấn thịt thỏ nhưng vẫn không đủ đáp ứng đủ nhu cầu” Tú tiết lộ.
Năm 2019, HTX thỏ sạch Củ Chi ra đời với gần 30 xã viên (tiền thân là tổ hợp tác nuôi thỏ do Tú thành lập). Từ đó, HTX trở thành một trong những chỗ dựa để bà con trên địa bàn xã thuần nông Trung An tận dụng chuồng trại để chuyển đổi mô hình trong bối cảnh chăn nuôi lợn gặp nhiều biến động.
“Hiện quy mô chăn nuôi của gia đình tôi không đủ cung cấp cho khách hàng. Do đó, tôi đã thành lập HTX nhằm chia sẻ thỏ giống với giá ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ đầu ra cho bà con. Tôi nghĩ, việc làm này không những giúp bà con ở đây tăng thu nhập mà còn là điều kiện tốt mở rộng và liên kết vùng chăn nuôi, góp phần tạo thương hiệu và sức cạnh tranh với các khu vực nuôi thỏ khác”, Tú nói.
Hiện giá thỏ giống khoảng 300.000 đồng/con. Nếu đầu tư mới hoàn toàn, chỉ cần khoảng 50 triệu đồng, người nuôi đã sở hữu 100 con giống cùng cơ sở chuồng trại (nếu tận dụng chuồng lợn sẵn có chi phí sẽ thấp hơn). Sau 1 năm nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật HTX đưa ra, mỗi xã viên sẽ thu nhập ổn định không dưới 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Anh Hồ Vinh Tiến, một trong những thành viên đầu tiên của HTX cho biết, anh đã từng theo nghề chăn nuôi lợn lâu năm nhưng gặp không ít rủi ro. Sau khi dịch lợn tai xanh đi qua, dịch tả lợn châu Phi lại đến, kinh tế gia đình gần như kiệt quệ. Thế nhưng, được Tú vận động vào HTX, sau đó được HTX cung cấp thỏ giống, hướng dẫn xây dựng chuồng trại và nuôi thỏ theo quy trình kỹ thuật HTX đề ra. Đặc biệt, đầu ra HTX hỗ trợ hoàn toàn, từ đó xã viên chỉ việc tập trung vào sản xuất. Hiện nay, anh Tiến đã có cho mình 100 thỏ sinh sản, mỗi đợt (3 tháng) anh xuất ra thị trường gần 2 tấn thịt thỏ thương phẩm.
Chia sẻ về dự định phát triển HTX, Tú cho biết để mở rộng sản xuất, HTX đang hướng đến các đối tượng thuộc hộ nghèo, thanh niên khởi nghiệp để vận động họ tham gia vào HTX, cùng HTX tham gia chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo. HTX mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn và quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên và cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội nông dân huyện Củ Chi đánh giá, HTX thỏ sạch Củ Chi là một trong những HTX hoạt động hiệu quả tại địa phương trong đó nồng cốt là anh Cao Hoàng Tú. Với vai trò Giám đốc HTX, ngoài điều hành, quản lý, anh Tú còn nhiệt tình hướng dẫn cho các hội viên mới về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ giống thỏ… Từ đó giúp các hội viên trong HTX có nguồn thu nhập ổn định và trong số đó có nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã