Năm 1999, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán - Tin, thầy Lê Minh Huy được phân công công tác tại trường THCS Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tiếp đó được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng trường THCS Hợp Lý, hiệu trưởng trường THCS Thái Hòa và hiện nay là hiệu trưởng trường THCS Hợp Lý.
Khi được phân công tiếp quản trường THCS Hợp Lý, điều thầy trăn trở nhất là chất lượng giáo dục của trường thấp nhất trong toàn huyện. Trước tình hình nhiều khó khăn, thầy đã cùng với ban giám hiệu nhà trường triển khai nhiều cuộc họp, thẳng thắn phân tích thuận lợi, khó khăn, những hạn chế, yếu kém để cùng khắc phục. Trường đã sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định rõ về chấm điểm và xét thi đua từng năm học nhằm siết chặt kỷ cương, nền nếp. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và ổn định tư tưởng của phụ huynh, nhân dân, thầy đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã để hiệu trưởng nhà trường được đối thoại trực tiếp với nhân dân từng thôn. Tại các buổi đối thoại, thầy trao đổi thẳng thắn với người dân về tình hình dạy và học, những thiếu sót, hạn chế của trường trong thời gian qua và cam kết trước nhân dân sẽ nhanh chóng ổn định, nâng chất lượng giáo dục.
Nhà giáo Lê Minh Huy (bìa trái) - tác giả mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng” ở Hợp Lý
Một trong những cách làm sáng tạo của thầy Huy là đã cùng ban giám hiệu nhà trường xây dựng thành công mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”, trong đó, phát động phong trào “Tiếng kẻng học bài” trên toàn địa bàn xã. Vào 19h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các thôn đều có hiệu lệnh kẻng thông báo giờ tự học tại nhà. Theo hiệu lệnh này, các gia đình có con em đang độ tuổi đi học tắt các thiết bị nghe, nhìn, nhắc nhở con em mình học bài ở nhà. Hiệu lệnh kẻng thông báo kết thúc thời gian học vào 22h30 cùng ngày. Để phong trào thực sự hiệu quả, thầy tranh thủ đi thăm góc học tập của các học sinh; thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em, nêu rõ điểm yếu, điểm mạnh của từng em để gia đình phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, thầy đặc biệt quan tâm, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ để các em có động lực vươn lên trong học tập.
Trong công tác lãnh đạo, quản lý, thầy Huy luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, tạo sự thống nhất từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên và giáo viên; thường xuyên chăm lo cho phong trào thi đua của trường, của lớp. Đồng thời, khuyến khích các thầy, cô giáo trong trường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; yêu cầu giáo viên chú trọng việc giáo dục nhân cách, rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua các giờ dạy văn hoá và hoạt động ngoại khóa; động viên, khen thưởng kịp thời các cán bộ, giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong học tập và các phong trào thi đua. Nhờ đó, nền nếp, hoạt động của nhà trường dần đi vào quỹ đạo. Cán bộ, giáo viên tích cực rèn luyện, bồi dưỡng, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng các phương tiện điện tử, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy trên lớp. Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn học sinh giỏi được nâng lên, chấm dứt tình trạng học sinh xin chuyển sang trường khác ở các địa phương khác.
Năm học 2018 - 2019, nhà trường có 5,8% học sinh đạt học lực giỏi, 30,4% đạt học lực khá, 58,61% đạt học lực trung bình. Số lượng học sinh giỏi các cấp tăng với 5 giải cấp tỉnh, 42 giải cấp huyện. Tỷ lệ thi tuyển sinh vào các trường THPT đạt 79%, xếp thứ 6 toàn huyện.
Là một nhà giáo yêu nghề, một người cán bộ quản lý tâm huyết, năng động, thầy Lê Minh Huy đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen nhưng với thầy, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng của nhân dân, kính trọng của đồng nghiệp và sự trưởng thành của các thế hệ học trò.
Phạm Huệ
Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã