Học tập đạo đức HCM

Những cộng tác viên dân số giàu nhiệt huyết

Thứ năm - 16/07/2020 22:08
Phải thường xuyên đi lại, phụ cấp ít ỏi, không được đóng bảo hiểm và rất nhiều những khó khăn, vất vả khác… khiến nhiều người ví cộng tác viên dân số là những người “vác tù và hàng tổng”. Được tận mắt chứng kiến công việc hằng ngày của họ, chúng ta mới hiểu sự nhiệt huyết của những cộng tác viên dân số ấy dường như đã vượt lên trên những lợi ích vật chất để đưa chính sách dân số tới từng gia đình, từ thành phố tới những thôn, làng xa xôi…

Dáng người gầy cao, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rành rọt cùng cử chỉ ân cần, niềm nở là điều khiến chúng tôi ấn tượng khi tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Lai, 57 tuổi, cộng tác viên dân số tổ dân phố Đồi Cao, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo. 27 năm gắn bó với công tác dân số và y tế thôn, bản, dường như từng ngõ ngách, từng hoàn cảnh gia đình bà đều nắm rõ như trong lòng bàn tay. Bà Lai chia sẻ: “Làm công tác dân số là vậy, nếu mình không sâu sát với dân, gần gũi với dân, coi họ như người thân thì làm sao tuyên truyền, vận động được họ thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình”.

Tổ dân phố Đồi Cao có gần 200 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Việc đi lại, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số mất rất nhiều thời gian. Mỗi đợt phát động chiến dịch về dân số, bà Lai đều lặn lội đến tận nhà các hộ dân để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cặn kẽ việc thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, cách chăm sóc, nuôi con nhỏ; nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của người dân để tham mưu, đề xuất với cán bộ chuyên trách dân số, cán bộ y tế, chính quyền địa phương để có giải pháp tuyên truyền hiệu quả.


Bà Nguyễn Thị Lai, cộng tác viên dân số tổ dân phố Đồi Cao, thị trấn Hợp Châu, Tam Đảo (áo hồng, ở giữa) 
đang tuyên truyền chính sách dân số

Bà Lai tâm sự: “Hơn chục năm về trước, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức của người dân hạn chế, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “phải có con trai để nối dõi tông đường” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Không ít hộ nghèo, kinh tế khó khăn mặc dù đã sinh được 3 con rồi vẫn có ý định sinh thêm. Nhìn thấy nhiều gia đình đông con, nheo nhóc, nhiều phụ nữ sức khoẻ yếu sau nhiều lần mổ đẻ nhưng vẫn cố sinh thêm con vì áp lực từ chồng, từ gia đình chồng… khiến tôi trăn trở vô cùng. Là phụ nữ, tôi muốn tất cả những người mẹ, người vợ phải được khoẻ mạnh và sống hạnh phúc”.

Suy nghĩ giản dị nhưng đáng quý từ đáy lòng đã thôi thúc bà Lai không quản ngại nắng mưa, sớm tối “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức. Bằng cách nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh từng gia đình, bà đã trò chuyện, tâm sự, phân tích để không chỉ người phụ nữ mà cả những người chồng, bậc ông, bà, người cao tuổi hiểu được chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Những năm 1993 – 1994, thời điểm chưa có xe máy, bà Lai lặn lội đi xe đạp tới tận nhà chở chị em phụ nữ ra trạm y tế xã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, rồi tận tình giặt giũ, cơm nước, ân cần chăm sóc cho chị em tại trạm cả tuần liền… Những hành động đó đã để lại ấn tượng đẹp, khiến bà con cảm phục, hiểu và dần dần thay đổi nhận thức về chính sách dân số. Đến nay, chất lượng dân số trên địa bàn chuyển biến tích cực; 100% chị em trong độ tuổi sinh sản được tư vấn chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, phụ nữ mang thai được khám định kỳ, tỷ lệ trẻ sinh ra được sàng lọc trước sinh, sơ sinh tăng cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm…

Mặc dù là nam giới nhưng ông Trần Văn Tín, 56 tuổi, cộng tác viên dân số thôn Vẽn, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên luôn tâm huyết, nhiệt tình với công tác dân số ở địa phương suốt 4 năm qua. Đảm nhiệm nhiều vị trí như chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi thôn, công an viên của xã đã giúp ông nắm rõ tình hình đời sống cũng như dân số ở thôn, tạo thuận lợi trong quá trình tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nếu như cộng tác viên dân số là nữ sẽ dễ dàng tiếp cận, chia sẻ với chị em thì với vai trò cộng tác viên dân số là nam, ông Tín lại chủ động tiếp cận với các ông chồng, bởi theo ông đó chính là đối tượng cần thay đổi nhận thức đầu tiên; giúp những người đàn ông trong gia đình xoá bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, biết chia sẻ với vợ, ủng hộ sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người phụ nữ.

Ông Tín tâm sự: “Lúc đầu, khi tư vấn cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai, tôi còn bị các bà, các chị trêu đùa ngượng đỏ mặt. Nhiều lần tới hộ dân tuyên truyền không sinh con thứ ba, có những người tỏ thái độ ra mặt, không hợp tác, thậm chí còn phản ứng quyết liệt. Nhưng tôi xác định đã nhận công việc này thì dù khó khăn, vất vả vẫn phải cố gắng làm cho tốt. Bởi vậy, tôi phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với các cuộc họp thôn, họp chi bộ, những buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ để người dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là gia đình anh N.V.P và chị N.T.N đã sinh 4 con gái, các cháu đều còn nhỏ, trong khi cả hai vợ chồng đều làm nghề tự do, kinh tế khó khăn nhưng vẫn muốn sinh thêm con trai để nối dõi tông đường. Qua tìm hiểu tôi biết chị N đã 4 lần sinh mổ, sức khoẻ yếu, thường xuyên đau ốm nên tôi đã nhiều lần cùng cán bộ phụ nữ thôn đến tuyên truyền, vận động, tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai. Lúc đầu, gia đình anh P không nghe nhưng tôi vẫn kiên trì tới tuyên truyền, phân tích với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, vợ chồng anh P hiểu và đồng thuận thực hiện. Gần 3 năm nay, vợ chồng anh P tập trung làm kinh tế, có điều kiện nuôi dạy 4 cô con gái ăn học đầy đủ, gia đình hoà thuận, hạnh phúc. Đó chính là niềm vui, niềm động viên lớn nhất với những người làm cộng tác viên dân số chúng tôi".

Nói về vai trò của các cộng tác viên dân số, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình cho biết: Toàn tỉnh có 1994 cộng tác viên dân số. Mặc dù phụ cấp rất thấp, không có chế độ bảo hiểm nhưng những cộng tác viên này vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngày, đêm, mưa nắng tận tâm, chu đáo tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số tới từng hộ dân. Hoạt động của họ đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức của người dân về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, thiết thực nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Phương Loan/vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại883,405
  • Tổng lượt truy cập90,946,798
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây