Sau 1 năm triển khai thí điểm BH tôm nuôi theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ (tháng 9/2011), tỉnh Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì tiến độ và kết quả triển khai chính sách BH vẫn còn quá chậm, tỷ lệ người tham gia thấp và chủ yếu là những đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm (hộ nghèo). Như vậy có thể thấy, dù đã tích cực tuyên truyền nhưng tham gia BH tôm nuôi vẫn chưa là nhu cầu tự thân của nông dân. Với hai đối tượng được chọn BH là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, Bạc Liêu đã triển khai tại 9 xã, phường của TP.Bạc Liêu và hai huyện Hòa Bình, Đông Hải. Tính đến ngày 4/8/2012, Công ty BH Bảo Việt Bạc Liêu (đơn vị thực hiện BH) đã ký được 82 hợp đồng/80 hộ, tổng diện tích tham gia BH là 36,08ha, tổng phí BH 880 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 660 triệu đồng. Đáng chú ý là trong số các hộ tham gia thí điểm có 53 hộ nghèo. Huyện Hòa Bình là địa phương có số hộ tham gia BH nhiều nhất với 67 hộ, ít nhất là TP.Bạc Liêu, chỉ có 3 hộ tham gia. Tuy nhiên, chưa có hộ cận nghèo và công ty, hợp tác xã nào tham gia BH. Cũng trong thời gian trên, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu đã chi trả tiền bồi thường BH cho hơn 30 hộ nuôi với tổng số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó có 15 hộ nghèo đã được nhận tiền bồi thường. Tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện chính sách BH trên tôm nuôi tổ chức mới đây, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, BH nông nghiệp là chính sách an sinh xã hội đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, điều mà mọi người quan tâm là vì sao vẫn có quá ít người nuôi tôm tham gia BH, trong khi tại các địa phương được chọn thí điểm, có đến hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo đang nuôi tôm. Theo quy định, hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo hỗ trợ 80% phí BH, kể cả các đối tượng khác tham gia BH cũng vẫn được hỗ trợ nhưng tại sao người dân chưa mặn mà. Phải chăng do khâu tuyên truyền chưa được chú trọng hoặc có làm nhưng chưa đúng cách? Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự thiếu vắng "khách hàng" BH tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là do khởi động chậm trễ. Ông Lê Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo thí điểm BH tôm nuôi tỉnh Bạc Liêu cho rằng: "Tất cả các khâu chuẩn bị đều chậm, như thành lập Ban chỉ đạo các cấp, tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến người nuôi tôm. Có một số nơi, tôm thả rồi và bị thiệt hại, người dân mới biết có chủ trương BH. Công tác tuyên truyền, phát động cũng chưa đủ sức thuyết phục nông dân". Ông Dũng đề nghị, cán bộ phải đến tận đồng tôm để giải thích cho dân chứ không chỉ dừng lại ở hội trường. Một hạn chế khác là việc phối hợp giữa ban chỉ đạo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với các ngành chức năng chưa tốt. Ở một số nơi, đã qua một năm mà vẫn chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Ngoài ra, kinh phí cấp cho hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa dành thời gian thỏa đáng để lãnh đạo, điều hành công tác này… Sau khi phân tích các hạn chế, nguyên nhân, ông Dũng giao chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2012, phải có ít nhất 267 hộ nghèo và cận nghèo được tham gia BH. Ông Dũng cũng đề nghị Ban chỉ đạo các cấp phải quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu đề ra nhưng không được làm sai, làm lướt hoặc làm theo kiểu hình thức. Ngoài ra, mục tiêu mà Ban chỉ đạo tỉnh đặt ra đến cuối năm 2012 là phải có 15% số hộ bình thường, tổ chức sản xuất và 100% đảng viên đang công tác, sinh hoạt tại địa bàn thí điểm có nuôi tôm sú thâm canh-bán thâm canh và nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tham gia thí điểm BH. Trong khi chờ chủ trương của Chính phủ, Ban chỉ đạo tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xuất ngân sách hỗ trợ cho diện cận nghèo đóng phí BH với mức 20% (tổng kinh phí 575 triệu đồng). Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương kéo dài thời gian thí điểm BH tôm nuôi đến hết năm 2014.
Thanh Cường - Tấn Đạt
| |||||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã