Còn bộc lộ bất cập
Chỉ tính riêng trong năm 2012, chúng ta đã triển khai hai đợt thu mua tạm trữ, trong đó đợt 1 mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân và 500.000 tấn quy gạo vụ hè thu. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính Bộ NNPTNT, trong quá trình thực hiện, phương thức này đã bộc lộ rất nhiều hạn chế.
Đó là: Khó kiểm soát được việc mua bán lúa, gạo của doanh nghiệp (DN), việc phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ chưa phù hợp với khối lượng hàng hóa của từng địa phương, thời gian mua tạm trữ ngắn (chỉ 1 tháng).
Đặc biệt, DN hầu như không mua lúa, gạo trực tiếp từ nông dân trồng lúa, mà chủ yếu mua qua thương lái. Vì thế, trong thời gian qua, nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Hơn nữa, nông dân đồng bằng sông Cửu Long thường bán lúa, gạo cho thương lái trước khi có quyết định thu mua tạm trữ, nên nông dân đa số phải bán lúa với giá thấp.
Từ thực tế trên, trong dự thảo lần này, Bộ NNPTNT đã đề xuất chính sách thu mua tạm trữ mới. Theo đó, khối lượng tạm trữ thực hiện theo từng vụ, trong đó vụ đông xuân tạm trữ tối đa 1 triệu tấn, còn hè thu là 1,5 triệu tấn. Hình thức tạm trữ lần này là hộ nông dân tạm trữ lúa tại nhà, hoặc tại cơ sở sản xuất. Hộ nông dân cũng có thể tạm trữ tại kho của DN có cánh đồng mẫu lớn hoặc các DN khác...
Mức tạm trữ đối với hộ nông dân (hoặc các hộ liên kết lại) phải có khối lượng tối thiểu là 10 tấn/1 điểm chứa. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng, tức vay với lãi suất 0% cho hộ nông dân, DN tạm trữ lúa gạo trong vòng 3 tháng.
Nhận xét về phương thức này, một chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng: Ý tưởng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là rất tốt, song vấn đề là nếu để nông dân tự tạm trữ, thì họ chứa vào đâu, ai kiểm soát được họ chứa như thế nào, vì các hộ nông dân hầu như chưa có kho chứa. Từ đó, sẽ đặt ra vấn đề phải hình thành một bộ máy giám sát thực hiện rất cồng kềnh, chi phí tốn kém. Cũng theo chuyên gia này, bây giờ chúng ta mới chỉ giám sát có mấy chục DN tham gia thu mua tạm trữ, mà đã không thực hiện được, vậy khi để nông dân tạm trữ trực tiếp, thì sẽ giám sát ra sao đối với hàng triệu hộ nông dân?
Không nên cho doanh nghiệp tham gia
Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng: "Với các chính sách, phương thức như dự thảo đưa ra, sẽ "đẻ" ra nhiều tình huống khác nhau. Bởi việc quy định hộ nông dân hoặc các hộ liên kết lại với nhau để có một điểm chứa tối thiểu 10 tấn, sẽ phát sinh vấn đề, hộ nào cũng đăng ký được tham gia, như thế với khối lượng lúa hàng hóa trong vụ đông xuân 7-8 triệu tấn, mà nông dân xin tạm trữ cả, sẽ vượt xa con số 1 triệu tấn mà dự thảo đưa ra, thì sẽ giải quyết thế nào".
Một chuyên gia khác thì cho rằng, có quy định, song vấn đề cơ chế tổ chức thực hiện như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Do vậy, tốt hơn hết, chúng ta nên hình thành một bộ máy vận hành việc thu mua tạm trữ riêng biệt, tách hoàn toàn DN ra khỏi việc thu mua tạm trữ, mà DN chỉ được mua đấu thầu gạo từ kho tạm trữ của Nhà nước để xuất khẩu như cách làm của Thái Lan.
Cũng theo ông Bích, cơ chế tạm trữ như hiện nay, chúng ta đã không giám sát được, giờ nếu để cho nông dân tạm trữ, thì sẽ giám sát kiểu gì, rồi ai kiểm tra được thời gian mà nông dân tạm trữ, nhất là chất lượng ra sao, vì nếu đưa vào kho của nhà máy, họ mới đo được nhiệt độ, ẩm độ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.
"Chúng ta nói là tạm trữ thường xuyên, nhưng lúc giá lúa lên cao, thì cần gì phải tạm trữ, việc quy định như thế sẽ đi ngược với Nghị định (NĐ) 109 về sản xuất, kinh doanh lúa gạo, bởi NĐ 109 quy định, chỉ khi giá lúa xuống thấp hơn giá sàn, chúng ta mới thu mua tạm trữ. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ NĐ 109 xem có gì còn vướng mắc, hạn chế, chứ không thể giải quyết từng vấn đề nhỏ trong một tổng thể lớn" -ông Bích đề xuất.
Hỗ trợ cho nông dân là đúng hướng
Trao đổi với phóng viên NTNN, GS-TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho rằng: "Chính sách hỗ trợ tạm trữ trực tiếp cho nông dân là đúng hướng, vì phương thức tạm trữ thời gian vừa qua chỉ là DN tạm trữ cho mình, khi giá lúa xuống thấp, thì họ mới mua. Còn khi giá lên cao, họ mới bán ra để hưởng lợi. Do đó, việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là đúng, nhưng cách làm phải như thế nào cho sát thực tế. Đặc biệt, đây là dịp để Nhà nước sắp xếp nông dân vào hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đưa những người nông dân nghèo vươn lên làm giàu. Như Nhật Bản, 50 năm trước để làm cho dân giàu lên, họ cũng đưa dân vào HTX. Ở ta cũng vậy, với chính sách tạm trữ lần này, chỉ khi nông dân vào HTX thì mới được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước theo hướng ai vào HTX mới được hỗ trợ. Vấn đề ở chỗ, do nông dân hiện chưa có nhà kho, nên khi thành lập HTX, Nhà nước cần hỗ trợ cho HTX xây dựng nhà kho. Chỉ khi, chúng ta hỗ trợ theo kiểu đó mới tránh được việc, chính sách tạm trữ chỉ phục vụ cho DN được".
Theo hoinongdan.org.vn (31/8/2012)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã