Vì sao chính quyền lại đứng ra “kinh doanh” lúa giúp dân như vậy? Trước đó, từ tháng 5-2012 UBND tỉnh Bạc Liêu đã đồng ý cho UBND huyện Hồng Dân dùng ngân sách mua lúa một bụi hồng tồn trong dân. Lý do là người dân xã Ninh Hòa trồng đại trà giống lúa một bụi hồng theo chủ trương của huyện nhưng khi thu hoạch xong không bán được. “Cầm đèn chạy trước ôtô” Thật ra, giống lúa một bụi hồng do UBND huyện Hồng Dân ký hợp đồng với PGS.TS Võ Công Thành (Đại học Cần Thơ) triển khai từ năm 2009 và trồng đại trà trong năm 2011. Huyện đã chọn xã Ninh Hòa với diện tích khoảng 52ha để triển khai việc trồng giống lúa một bụi hồng, mỗi hộ dân trồng lúa này sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ha. Theo Phòng NN& PTNT huyện Hồng Dân, huyện đã xuất ngân sách hơn 2 tỉ đồng để thực hiện đề tài nghiên cứu “Chọn giống lúa một bụi đỏ có gạo màu hồng thích nghi với huyện Hồng Dân” do ông Thành làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, đến tháng 5-2012 UBND tỉnh Bạc Liêu đã “bắt giò” đối với UBND huyện Hồng Dân vì cho rằng cách làm của huyện thiếu khoa học: cho triển khai đại trà trong khi giống lúa một bụi hồng chưa được khảo nghiệm theo đúng quy định. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện phải xem xét lại hợp đồng với chủ nhiệm đề tài trên, nếu có sai sót phải bồi thường theo quy định. Theo đó, yêu cầu chủ nhiệm đề tài thuê một tổ chức tư vấn độc lập kiểm định chất lượng giống một bụi hồng, nếu không phù hợp các cam kết trong hợp đồng phải thu hồi phần kinh phí đã thanh toán, chủ nhiệm đề tài phải trả lại tiền cho UBND huyện. Riêng việc tiêu thụ số lúa mà người dân đã thu hoạch, UBND huyện Hồng Dân đã giao Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện mua lúa một bụi hồng với giá 6.300-8.000 đồng/kg. Tổng số tiền ngân sách phải bỏ ra mua lúa của dân là khoảng 900 triệu đồng, số lúa 30 tấn mà huyện bán lại chủ yếu là cho một công ty ở TP.HCM. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, đến nay không còn lúa một bụi hồng tồn trong dân. Là người trực tiếp trồng lúa một bụi hồng, ông Mai Hồng Kỉnh - chủ nhiệm HTX Thành Lợi, xã Ninh Hòa - cho biết năm 2011 HTX của ông thu hoạch trên 150 tấn lúa một bụi hồng với năng suất chỉ 4,6 tấn/ha. Ông Kỉnh nhận xét gạo một bụi hồng không ngon cơm, vỏ cám ngoài quá đỏ nên thương lái cho rằng đó là gạo bị lẫn tạp chất. Vì vậy hiện HTX không trồng lúa một bụi hồng nữa vì sản phẩm không có đầu ra.
Có lúa mới tìm đầu ra Trao đổi về số phận của lúa một bụi hồng, ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân - khẳng định huyện tiếp tục thực hiện chương trình lúa một bụi hồng bằng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Ông cũng nhìn nhận trước đây việc thực hiện lúa một bụi hồng chỉ có sự tham gia của ba “nhà” là nhà nông, nhà khoa học và nhà nước, thiếu nhà doanh nghiệp. Theo ông Út, hiện đã có một số doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương sau khi phân tích chất lượng gạo một bụi hồng đã đặt hàng và cam kết bao tiêu sản phẩm này cũng như đồng ý đưa sản phẩm bán tại 100 cửa hàng ở TP.HCM. “Thương lái chê vì họ sợ lẫn lộn với lúa thường khi đem xuống ghe. Lúa một bụi hồng đến nay đã khơi thông, chúng tôi sẽ xã hội hóa, không dùng tiền ngân sách nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm để khẳng định thương hiệu địa phương” - ông Út khẳng định. Trong khi đó, theo PGS.TS Võ Công Thành, hiện người dân Hồng Dân vẫn “mê” lúa một bụi hồng vì lúa chịu mặn tốt, phù hợp với điều kiện ở địa phương. “Nếu lo được đầu ra sản phẩm thì đó là lợi thế lớn cho vùng mặn vì lúa này có chất lượng cao, chịu mặn tốt. Tôi chỉ lo vấn đề giống, còn đầu ra thì nằm ngoài khả năng” - TS Thành nói. PGS.TS Trần Kim Tín (Đại học Cần Thơ) cho rằng không nhất thiết phải thuê đơn vị đánh giá chất lượng gạo một bụi hồng mà nên để khách hàng quyết định. Ông Tín cho rằng do là một loại lúa mùa nên bản thân lúa một bụi hồng ít sâu bệnh, kháng rầy cao. Còn thạc sĩ Hoàng Thị Ái Liên - nghiên cứu sinh Đại học Cần Thơ với đề tài chuyên về lúa mặn - cho rằng một bụi hồng là một loại gạo lức nên hơi cứng nhưng khi nấu chín lại mềm, dẻo hơn gạo huyết rồng. Thạc sĩ Liên cũng nói gạo một bụi hồng không thơm nhưng có hàm lượng sắt, protein cao và có chất chống ung thư, do vậy cần tính đến yếu tố thị trường trước khi triển khai đại trà.
CHÍ QUỐC |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã