Đoạn kênh nội đồng bằng bê tông dài 486m tại thôn Đông Hạ, Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) đã cơ bản hoàn thành, thỏa lòng mong đợi của bà con nông dân sau nhiều năm gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Chỉ có điều, không giống với kiểu truyền thống, tuyến kênh nội đồng có thiết kế nhỏ gọn, thành bê tông mỏng chỉ bằng 1/3 so với thông thường. Đây là công trình thí điểm đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện công nghệ bê tông thành mỏng do Công ty CP Tư vấn xây dựng và Phát triển đô thị Hà Tĩnh chịu trách nhiệm thi công.
Ông Trần Đình Quốc - Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay, cả nước mới chỉ có 4 tỉnh ứng dụng công nghệ đúc bê tông thành mỏng, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên cơ sở sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Chi cục Thủy lợi, chúng tôi đã đi các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm trước khi thực hiện công trình này. Bê tông có thành mỏng 40 mm, đáy 70 mm đã khắc phục được các nhược điểm của công nghệ sản xuất bê tông đúc sẵn bởi ưu điểm mỏng hơn, nhẹ hơn, có khả năng chống thấm, đảm bảo độ chắc tuyệt đối, phù hợp với nhiều loại địa hình (nhất là đối với vùng cát chảy), tuổi thọ cao, chi phí thấp”.
Bê tông thành mỏng được đúc sẵn, thuận lợi di chuyển và lắp đặt |
Để làm ra sản phẩm, đơn vị thi công dùng xi măng, cốt thép tạo thành dạng lưới cộng với đá tự nhiên thực hiện công nghệ đầm rung vào ván khuôn kết hợp với đầm dài và ống thoát khí trong khi cấp nguyên liệu vào khuôn để đóng bê tông. Với quy trình này, bê tông sẽ đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ. Vừa mỏng, nhẹ, dễ di chuyển nhưng vẫn đảm bảo độ bám chắc. Tất cả đều được đúc sẵn và lắp đặt dễ dàng. Theo tính toán, mỗi ngày, 12 công nhân có thể hoàn thành 200m kênh mương. Mỗi km kênh mương nội đồng được thi công bằng công nghệ bê tông thành mỏng hết khoảng 800 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 chi phí sản xuất theo phương thức truyền thống.
Không thể tả hết niềm vui của người nông dân có đất canh tác trên 2 xứ đồng Đình Nam và Cửa Và. Bao nhiêu năm sản xuất lúa, đến mùa hạn hán, nông dân chỉ biết “ngửa cổ kêu trời”. Kể cả khi có tuyến kênh N33 của Kẻ Gỗ đi qua thì xứ đồng này vẫn ở cuối nguồn tưới, khó khăn lắm bà con mới lấy được nước về ruộng. Ông Lê Thanh Hà (thôn Đông Hạ) cho biết: “Trước đây, nạo vét tuyến kênh đất này để lấy nước về ruộng, chúng tôi cũng bở hơi tai. Có kênh mới, từ vụ sau, chúng tôi có thể yên tâm sản xuất rồi”.
Giải quyết vấn đề bức thiết của sản xuất, ứng dụng công nghệ bê tông thành mỏng còn tháo gỡ được “nút thắt” về chi phí đầu tư cho các địa phương. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh chia sẻ: “Tại địa phương còn ngổn ngang nỗi lo. Với công nghệ bê tông thành mỏng, công trình được thiết kế rất phù hợp với mức độ tưới tiêu tại vùng sản xuất. Quan trọng nhất, chi phí xây lắp giảm 1/3 đã thực sự san sẻ được gánh nặng về nguồn ngân sách, giúp các địa phương hoàn thành thêm tiêu chí kênh mương trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với vị trí là vùng phụ cận thành phố, đây sẽ là giải pháp phù hợp với các chiến lược quy hoạch vùng. Khi có thay đổi về quy hoạch, tuyến kênh này có thể di chuyển mà không lãng phí, hoặc có thể phù hợp với công trình thoát nước vùng dân cư”.
Giữa lúc phong trào xây dựng, kiên cố hóa kênh mương đang được tỉnh phát động mạnh mẽ khắp các địa phương, công nghệ bê tông thành mỏng đang đóng góp vai trò tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không chỉ là kênh mương nội đồng mà còn cả hệ thống thoát nước đô thị.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã